Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 10/06/2016-08:48:00 AM
1. Địa lý, dân số
Tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia gồm lãnh thổ của 13 tỉnh có đường biên giới hoặc có liên quan đến khu vực biên giới chung giữa ba nước là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đăk Nông, Bình Phước (Việt Nam), Sêkông, Attapư, Salavan, Champasak (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mundulkiri, Kratié (Campuchia). Tổng diện tích tự nhiên là 144.341 km2, tổng dân số năm 2008 khoảng 6,5 triệu người (mật độ dân số 45 người/km2), chiếm 19,3% về diện tích tự nhiên và 6,1% về dân số so với cả ba nước, trong đó:
- Vùng 4 tỉnh Đông Bắc của Campuchia là Stung Treng, Rattanakiri và Mundulkiry và Kratié với diện tích tự nhiên khoảng 48.730 km2. Dân số năm 2008 là 684 nghìn người, mật độ dân số 14 người/km2.
- Vùng 4 tỉnh Nam Lào là Sêkông, Attapư, Salavan và Champasak với diện tích tự nhiên khoảng 44.091 km2. Dân số năm 2008 là 1.198 nghìn người, mật độ dân số gần 27 người/km2.
- Vùng 5 tỉnh thuộc Tây Nguyên của Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông và Bình Phước với diện tích tự nhiên 51.520 km2. Dân số năm 2008 là 4.663 nghìn người, mật độ dân số 90 người/km2.
Tam giác phát triển có vị trí chiến lược đối với cả ba nước về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Thông qua các hành lang kinh tế dọc theo các trục quốc lộ 78 (của Campuchia) và 18, 16 (của Lào) nối với các quốc lộ 14, 19, 24, 49 (của Việt Nam) nối toàn bộ khu vực này với các cảng biển của Việt Nam. Đồng thời qua trục quốc lộ 7 (của Campuchia) và 13 (của Lào) nối khu vực này với Pnôm Penh và Viêng Chăn; qua các trục quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nối khu vực này với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ba nước mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế - xã hội.
Tam giác phát triển là vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Là nơi đầu nguồn của nhiều con sông có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái và quốc phòng an ninh của mỗi nước.
2. Khí hậu
Khí hậu khu vực biên giới ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam được hình thành dưới tác động của bức xạ mặt trời, hoàn lưu khí quyển và vị trí địa lí, trong đó vị trí địa lí và độ cao có vai trò quan trọng nhất hình thành một vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Do chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa tây nam nên mùa hè và mùa thu mưa nhiều, thời tiết dễ chịu, ngược lại mùa đông và mùa xuân rất ít mưa, khô hạn gay gắt do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc ở đông Trường Sơn.
Yếu tố hạn chế về khí hậu là mùa mưa thường có mưa lớn và tập trung dễ gây lũ, úng ngập cục bộ và xói mòn rửa trôi, sạt lở đất khi rừng đã bị chặt phá với diện tích lớn.
Mùa khô nói chung bị thiếu nước nghiêm trọng, hạn hán dài ngày, đất đai, cây cối bị khô và thường dễ xảy ra cháy. Do diện tích rừng trong những năm trước đây bị suy giảm nghiêm trọng nên môi trường sinh của khu vực biên giới ba nước đang ở trong tình trạng diễn biến xấu làm tăng thêm tính khốc liệt của mùa khô kéo dài, mức độ bốc thoát hơi nước càng lớn và thiên tai do mưa lũ có xu hướng gia tăng.
2.1. Chế độ nhiệt
Nét đặc biệt của chế độ nhiệt khu vực biên giới ba nước là vùng có nền nhiệt độ cao, có xu thế giảm dần từ nam ra bắc và từ thấp lên cao.
- Các vùng có nền nhiệt độ cao thường có nhiệt độ trung bình tháng lớn hơn 250C như ở vùng đồng bằng Attapư, đồng bằng dọc sông Mekong, sông Sekong của Stung Treng và Rattanakiri, khu vực Cheo reo...
- Các vùng có nền nhiệt độ thấp thường có nhiệt độ trung bình tháng nhỏ hơn 210C như cao nguyên Boloven, các vùng núi cao biên giới giữa Kon Tum với Sekong và Attapư.
- Biên độ nhiệt trung bình năm tương đối thấp, nhưng biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch khá lớn, có khi đạt tới 150C.
Đây là vùng có nhiệt độ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất của vùng là thiếu nước vào mùa khô. Nếu giải quyết được nước tưới, với nền nhiệt cao và tài nguyên đất dồi dào sẽ tạo cho khu vực này tiềm năng quan trọng để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, hiệu quả kinh tế cao.
2.2. Lượng mưa
- Chế độ mưa khu vực Tây Nguyên:
Mưa ở Tây Nguyên tăng dần từ vùng thấp lên vùng cao. Do ảnh hưởng của địa hình và sự phân bố mưa theo không gian khá phức tạp nên nơi có lượng mưa lớn có thể gấp 2 - 3 lần nơi có lượng mưa nhỏ.Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 12. Với địa thế cao, Tây Nguyên tiếp nhận cả hai khối khí đoàn đông bắc và tây nam tạo nên một kiểu khí hậu đặc thù nhiệt đới ẩm gió mùa cao nguyên. ở các vùng sườn cao đón gió tây nam như Plei Ku có lượng mưa (khoảng 2.600 - 2.800mm) lớn hơn các vùng thấp như cao nguyên Buôn Ma Thuột (1.600 - 1.800mm). Những nơi bị khuất cả đối với gió mùa tây nam và đông bắc như trũng Cheo Reo có lượng mưa rất thấp (khoảng trên dưới 1.200mm), vùng trũng An Khê, Krông Buk (khoảng 1.400mm). Số ngày mưa trung bình năm thay biến động khá lớn giữa các vùng. Trên các cao nguyên Plei Ku, Đăknông, Buôn Ma Thuột số ngày mưa trung bình năm đạt 140 - 150 ngày. Vùng thung lũng sông Ba, bình nguyên Ea Soup số ngày mưa trung bình năm chỉ có 100 - 120 ngày.
- Chế độ mưa trên khu vực Mondulkiri, Rattanakiri, Stung Treng, Attapư, Saravan và Sekông:
Chế độ mưa chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa thường bắt đầu từ đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10 và chiếm 80 - 90% lượng mưa cả năm, mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 và kế thúc vào cuối tháng 4 năm sau chỉ chiếm 10 - 20% lượng mưa cả năm. Những nơi có lượng mưa trung bình năm cao là khu vực cao nguyên Boloven (trạm Paksong) 3.374mm, đồng bằng Attapư 2.270 mm, khu vực Rattanakiri và Stung Treng khoảng 1.800 - 3.000 mm. Những nơi có lượng mưa thấp cũng lớn hơn 1.500 mm (vùng miền núi phía bắc Attapư và phía nam tỉnh Sekong). Số ngày mưa trung bình năm khoảng 140 - 150 ngày.
3.Địa hình
Khu vực biên giới ba nước chủ yếu nằm về phía tây dãy Trường Sơn do đó bề mặt địa hình có hướng dốc thoải dần từ đông sang tây thuộc chiều đón gió tây và tây nam. Sườn phía đông (các tỉnh Tây Nguyên) dốc đứng ngăn chặn gió đông và đông nam xâm nhập vào.
Địa hình nói chung bị chia cắt phức tạp nhưng đặc trưng hơn cả là tính phân bậc rõ ràng: các bậc cao nằm về phía đông và phía bắc, bậc thấp nhất ở phía tây.
3.1. Địa hình cao nguyên
Đây là dạng địa hình đặc trưng nhất tạo nên bề mặt chủ yếu của hầu hết các tỉnh trong khu vực biên giới ba nước.
- Bậc địa hình ở độ cao dưới 300 m: chủ yếu gồm các vùng như cao nguyên Rattanakiri, Cheo Reo - Phú Túc, Easoup...
- Bậc địa hình ở độ cao từ 300 - 500 m, chủ yếu gồm các vùng dọc sông Đăk PôKô, xung quanh thị xã Kon Tum, An Khê, vùng Thateng (Sekong), phía bắc Sanậm Xay (Attapư)...
- Bậc địa hình ở độ cao từ 500 - 800m bao gồm các cao nguyên Plei Ku, cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Địa hình cao nguyên thuận lợi cho việc phát triển nông lâm nghiệp quy mô lớn với những cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, chè... Khó khăn lớn nhất của các cao nguyên này là thiếu nước về mùa khô, mực nước ngầm sâu chỉ thích hợp với cây lâu năm và chịu hạn.
3.2. Địa hình núi
Dạng địa hình này tập trung chủ yếu ở khu vực các dãy núi phân thuỷ giữa lưu vực sông Sekong và sông Sesan (dọc biên giới Lào - Việt Namvà biên giới Lào - Campuchia), vùng tây bắc Attapư nối tiếp với cao nguyên Boloven và phía bắc, phía đông, đông nam Tây Nguyên.
- Ngọc Linh là dãy núi đồ sộ nhất ở Bắc Tây Nguyên kéo dài từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam trên gần 200 km. Các đỉnh núi cao có thể kể đến gồm đỉnh Ngọc Linh 2.598 m, Ngọc Lum Heo 2.023 m và dãy Ngọc Bin San ở độ cao 1.939m.
- Giữa hai lưu vực sông Sesan và Sekong có dãy núi cao chạy theo hướng bắc nam theo biên giới từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đến ngã ba biên giới ba nước (độ cao trung bình các đỉnh núi khoảng 1.300 - 1500m) và theo hướng đông tây dọc biên giới giữa Attapư và Rattanakiri (độ cao trung bình các đỉnh núi khoảng 800 - 900 m).
- Về phía Nam - Đông Nam có dãy núi Ngọc Krinh (độ cao 2.066m), Kon Kakinh (độ cao 1.748 m), Kon Borôa (1.532 m), Kon Xa Krông, Kon Bô Kmiên (1.551 m)... Dãy Ngọc Krinh thấp nhất tại đèo Măng Giang (830 m) là nơi quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đi Plei Ku vượt qua.
-Dãy núi An Khê chạy dài 175 km từ phía nam sông Trà Khúc đến tận thung lũng sông Ba, có chiều rộng từ 30 - 40 km là một dãy núi đá đồ sộ tạo nên ranh giới tự nhiên giữa đông và tây Trường Sơn. Hướng chung của các dãy núi này là bắc tây bắc - nam đông nam. Các đỉnh cao trên 1000m như núi Bà, núi An ở rìa thung lũng sông Cái, phía Nam có đỉnh Chư Nhơn (1.284 m), đỉnh cao nhất của dãy An Khê là Chư Trian 1.339 m ở thượng nguồn Ea Thul.
Vùng núi là vùng có địa hình chia cắt phức tạp, diện tích rừng của khu vực biên giới ba nước tập trung ở khu vực này, chủ yếu là rừng nguyên sinh và rừng đầu nguồn. Dân số rất thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất và kinh tế xã hội trên dạng địa hình này rất khó khăn và là vùng có trình độ phát triển kinh tế xã hội yếu kém nhất.
3.3. Địa hình đồng bằng, thung lũng
Địa hình đồng bằng, thung lũng chiếm diện tích không lớn so với diện tích tự nhiên toàn khu vực. Một số vùng đồng bằng và thung lũng có diện tích đáng kể là:
- Đồng bằng Attapư: đây là một trong 7 đồng bằng lớn của CHDCND Lào với tổng diện tích tự nhiên khoảng 100.000 ha ở độ cao khoảng 100 - 110 m, nằm kẹp giữa hợp lưu của các nhánh sông Sekaman, Xe Xụ, Nậm Kong, Xe Nậm Nọi với sông Sekong.
- Vùng đồng bằng hai bên sông Mekong (Stung Treng) và các cánh đồng dọc sông Sekong, Sesan, Sprêpok (Stung Treng và Rattanakiri) ở độ cao dưới 100 m.
- Cánh đồng An Khê rộng 15 km chạy dài khoảng 45 km ở độ cao 400 - 500 m. Đây là một kiểu thung lũng giữa núi bị san bằng và mở rộng, bề mặt có dạng đồi thấp bằng phẳng, đôi lúc còn sót lại bề mặt san bằng với lớp phủ bazan.
- Phía tây dãy Ngọc Krinh là miền trũng Kon Tum. Bình nguyên Easoup là một đồng bằng bóc mòn có núi sót khá bằng phẳng ở độ cao 140 - 300 m thoải dần về phía tây.
- Vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc nằm theo đứt gãy tây bắc - đông nam kéo dài từ Kon Tum xuống. Bề mặt của các cánh đồng Cheo Reo Phú Túc khá bằng phẳng chỉ còn một ít đồi sót lại.
- Vùng trũng Krông Pách - Lăk ở phía nam cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Vùng địa hình đồng bằng và thung lũng là vùng phát triển cây lương thực, thực phẩm chủ yếu của khu vực và có tiềm năng về phát triển thuỷ sản nuôi cá nước ngọt.
4. Tài nguyên thiên nhiên
4.1. Tài nguyên đất
Tam giác phát triển là vùng có diện tích đất canh tác lớn và màu mỡ, nhiều vùng đất đỏ bazan và các loại đất đỏ vàng thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệpcó giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu.. và chăn nuôi gia súc. Thực tế khu vực này đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập cây công nghiệp tập trung như cà phê (Đắk Lắk, Gia Lai, Sekong), cao su (Gia Lai, Kon Tum, Rattanakiri)...
Các loại đất chính
Khu vực biên giới ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam có tài nguyên đất phong phú với diện tích đất đỏ bazan lớn. Theo đáng giá của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Việt Nam) và Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Lào (đối với 2 tỉnh Sekong và Attapư), toàn khu vực có 12 nhóm đất chính và 23 loại đất (theo phân hạng đất của FAO/UNESCO), trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm đất Acrisols 5,4 triệu ha (63,14%) và nhóm đất Ferrasolsgần 1,6 triệu ha (18,18%).
Tiềm năng đất đai toàn khu vực nói chung thuận lợi cho phát triển sản xuất sản phẩm hàng hoá lớn tập trung.
4.2. Tài nguyên nước
Khu vực nghiên cứu thuộc lưu vực của hai hệ thống sông chính là: hệ thống sông Mekong (chiếm khoảng 85% diện tích tự nhiên) và hệ thống sông đổ ra biển Đông (chiếm khoảng 15% diện tích). Mạng lưới sông suối khá dày đặc, phân bố tương đối đều trên các lưu vực. Đây là khu vực đầu nguồn của các sông suối nên có ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng hạ lưu của Campuchia,Lào và Việt Nam.
a.Hệ thống sông Mekong:
Ngoài sông Mekông chảy qua địa phận tỉnh Stung Treng khoảng 100km, trên hệ thống này gồm có 3 sông chính là sông Sekong, sông Sesan và sông Srêpok.
- Sông Sekong bắt nguồn từ huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế - Việt Nam) chảy theo hướng bắc, đông bắc xuống nam, tây nam qua tỉnh Sekong, Attapư và Stung Treng và đổ vào sông Mekông ở thị xã Stung Treng với chiều dài nhánh chính khoảng gần 500km, diện tích lưu vực khoảng 29.600 km2 (thuộc địa phận CHDCND Lào khoảng 77%, Việt Nam khoảng 3%, Campuchia khoảng 20%), lưu lượng trung bình năm tại Attapư khoảng 430 m3/s. Ngoài sông chính, sông Sekong có một số nhánh chính quan trọng là:
+ Sông Se Nậm Nọi: Bắt nguồn từ vùng núi Beknat ở độ cao trên 1000m, chảy ngoằn ngoèo trên cao nguyên Boloven theo hướng chính là nam lên bắc và đổ vào sông Sekong ở bản Hun Nang có diện tích lưu vực 1500km2, lưu lượng trung bình năm khoảng 34,4m3/s
+ Sông Se Pian: Bắt nguồn từ bản Nọng Poy ở độ cao khoảng 1.200m, chảy theo hướng chính tây bắc - đông nam và bắc xuống nam, đổ vào sông Sekong ở Hạt Khai với diện tích lưu vực khoảng 3.300km2, lưu lượng trung bình khoảng 17,1m3/s. Dưới hạ lưu của sông này có vùng đồng bằng khá rộng tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn nước phát triển nông nghiệp.
+ Sông Sekaman: Sông Sekaman là một nhánh lớn của sông Sekong vùng với chi nhánh quan trọng là sông Se Xụ tạo nguồn nước quan trọng cho đồng bằng Attapư. Sông Sekaman bắt nguồn từ vùng núi cao biên giới Việt - Lào (giữa tỉnh Quảng Nam và tỉng Sekong) ở độ cao khoảng 1.350m chảy theo hướng bắc - nam rồi đông bắc - tây nam và đổ vào sông Sekong ở thị xã Attapư với diện tích lưu vực khoảng 6.470 km2, lưu lượng trung bình năm khoảng 143m3/s.
+ Sông Nậm Kong bắt nguồn từ khu vực biên giới Campuchia – Lào ở độ cao 700m, chảy theo hướng chính từ đông sang tây đổ vào sông Sekong ở bản Nậm Kong với diện tích lưu vực khoảng 1.750km2.
+ Sông Sesan: Bắt nguồn từ dãy núi cao phía đông tỉnh Kon Tum chảy theo hướng bắc - nam, đông bắc - tây nam qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai Rattanakiri hợp với sông Sprêpok trước khi hợp với sông Sekong ở gần thị xã Stung Treng. Diện tích lưu vực đến Veunxai (thuỷ điện hạ Sesan 1) khoảng 15.555 km2 (thuộc Tây Nguyên 11.450 km2). Sông này có các nhánh chính là Poko,Đăk Bla (Việt Nam), Prec Can Chan, Nậm Diếc, Đăk Liêng... (Campuchia).
- Sông Srepok: Bắt nguồn từ vùng phía bắc tỉnh Đà Lạt và phía đông tỉnh Đắk Lắk chảy theo hướng đông tây rồi đông nam - tây bắc qua các tỉnh Đắk Lắk, Mundunkiri, Rattanakiri và Stung Treng, hợp với sông Sesan ở bản Lương trước khi hợp với sông Sekong ở gần thị xã Stung Treng. Diện tích lưu vực đến Lumpat (thuỷ điện Sprêpok 1) khoảng 26.350 km2 (thuộc Tây Nguyên khoảng 11.721 km2). Sông này có các nhánh chính là Krông Ana, Krông Knô, EaH'leo (Việt Nam), Prec Chba, Đăk Đam, Prec Đrăng... (Campuchia).
b. Hệ thống sông đổ ra biển Đông:
- Sông Ba bắt nguồn từ vùng đông bắc tỉnh Gia Lai, chảy theo hướng bắc - nam rồi tây bắc - đông nam với diện tích lưu vực khoảng 11.410 km2.
- Hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ vùng phía tây nam tỉnh Đắk Lắk, chảy theo hướng đông bắc tây nam với diện tích lưu vực 22.600 km2.
c. Tiềm năng thuỷ điện
Theo nghiên cứu của Uỷ ban sông Mekong năm 1970, tiềm năng thuỷ điện trên các sông chính của khu vực như sau:
Trên sông chính Mekong:
- Thuỷ điện Thác Khôn (Tỉnh Stung Treng giáp với Chămpasak-Lào): Công suất lắp máy 750 MW, sản lượng điện năng 6.220 GWh/năm, có thể kết hợp tưới khoảng 200.000 ha.
- Thuỷ điện Stung Treng (có thể thay đổi phương án chọn với Sekong 1,2): Công suất lắp máy 3.400 MW, sản lượng điện năng 24.554 GWh/năm, có thể kết hợp tưới 700.000 ha, điều tiết giảm dòng chảy mùa lũ khoảng 25.000m3/s.
Trên các nhánh sông chính lưu vực sông Mekong:
- Thuộc các tỉnh của Lào 14 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp máy 3.131 MW, sản lượng điện năng 15.613 GWh/năm, khả năng kết hợp tưới cho nông nghiệp 103.000 ha: Sekong (3,4,5) Xekaman (1,2,3,4,), Xe Xụ, Nậm Kong (1,2,3), Xe Nậm Nọi, Đăk E meule, H. Lamphan Nial...
- Thuộc các tỉnh của Campuchia: Hạ Sesan1, Hạ Sesan 2, Sprêpok 1, Sprêpok 2, Sprêpok 3 (tổng công suất lắp máy 782 MW, sản lượng điện năng 2.360 GWh/năm, kết hợp tưới 205.000 ha) và Sekong 1, Sekong 2.
- Thuộc các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam: 16 dự án thuỷ điện với tổng công suất lắp mắy 1081 MW, sản lượng điện năng 5.210 GWh/năm, kết hợp tưới 14500 ha. Khu vực thượng sông Sesan gồm một số công trình chính: Đăkbla, Plei Krong, Sesan 4, Thác Yali... Khu vực thượng sông Sprêpok gồm một số công trình chính: Krong Ana, Krong Kno, Đăk Mam, Krong Pach....
d. Tiềm năng nước ngầm
Do nguồn nước mưa cung cấp hàng năm tương đối lớn cùng với khả năng thấm và giữ nước của một số thành tạo địa chất nên đã làm cho nguồn nước ngầm của khu vực này có vị trí quan trọng trong cân bằng nước. Nước ngầm trong các thành tạo bazan đóng vai trò chủ yếu nhất, sau đó là thành tạo trầm tích Neogen và các đứt gãy kiến tạo. Nhìn chung chất lượng nước ngầm thoả mãn yêu cầu cho nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Trữ lượng nước ngầm vùng Tây Nguyên theo các tài liệu hiện có đã xác định được trữ lượng công nghiệp C2 (trữ lượng khai thác tiềm năng) của một số cao nguyên bazan như PleiKu 1.422.000 m3/ngày, Buôn Ma Thuột 2.030.000 m3/ngày..
Tóm lại tài nguyên nước của khu vực mất cân đối nghiêm trọng về mùa khô, ở những nơi độ che phủ thấp các sông suối khô cạn, mực nước ngầm tụt sâu. Tài nguyên nước (chủ yếu là nước mặt) của khu vực không chỉ ảnh hưởng đến vùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng hạ lưu vì đây là vùng đầu nguồn của hầu hết các sông suối.
4.3. Tài nguyên rừng và động thực vật
Khu vực biên giới ba nước có thế mạnh khá rõ nét về tài nguyên sinh vật, ngoài tài nguyên rừng, còn có các hệ thực vật, động vật hết sức phong phú và đa dạng.
a. Tài nguyên rừng
Tam giác phát triển có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của mỗi quốc gia với nhiều loại gỗ quí, hệ thực vật, động vật phong phú đa dạng và là khu vực tập trung nhiều khu bảo tồn thiên nhiên như Yokđôn (Việt Nam), Sesup, Amđôngphan, Sepian (Lào), Veunxai, Lumpát, Phu Nôm Nậm Lơ (Campuchia). Tổng diện tích đất rừng khoảng 6,87 triệu ha, trong đó các tỉnh Tây Nguyên khoảng 2,39 triệu ha, các tỉnh cuả Lào khoảng 1,88 triệu ha và các tỉnh của Campuchia khoảng 2,6 triệu ha. Rừng Tây Nguyên (chiếm 53,45% diện tích tự nhiên) là kho chứa nhiều nguồn gen quý hiếm của thiên nhiên nhiệt đới của Việt Nam. Các tỉnh Nam Lào có độ che phủ của thảm thực vật rừng lớn nhất so với cả nước Lào, chiếm gần 65,5% diện tích tự nhiên. Rừng của các tỉnh Campuchia chiếm gần 69% diện tích tự nhiên và rừng già chiếm gần 50% diện tích rừng, trong đó thuộc khu bảo tồn thiên nhiên khoảng 630 nghìn ha (chiếm 42,5% đất lâm nghiệp). Khu vực này có vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất, nguồn nước và đa dạng sinh học là tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia.
b.Tài nguyên thực vật
Hệ thực vật rừng của khu vực có rất nhiều loài. Đến nay qua thống kê đã biết trên 3.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có trên 600 loài cây gỗ lớn có chiều cao từ 12 m trở lên, có nhiều loại thực vật đặc hữu và gần đặc hữu, nhiều loài cổ và nhiều loài sót lại thuộc loại quí hiếm của thế giới như thông nước (Glyptostrobas Penslis), thông ba lá... Ngoài ra còn phát hiện 2 loài thực vật mới của hệ thực vật Việt Nam ở vườn quốc gia Yook Đôn là cây quao xẻ tua và gạo lông đen. Hệ sinh thái rừng có nhiều loài gỗ quí như cà te (afelia Xylocarpa), cẩm lai (Dalbergia Dongnaiens Pierr), giáng hương (Ptercarpus Pedalus Pierr), gụ mật (Sindora Cochinchinensis), cẩm liên (Shorca Siamnensis)... và nhiều loài cây họ dầu có sinh khối lớn như dầu đòng (Dipterrocapus Tubecellatus), dầu Trà beng (Dipterrocerpus Obtusiolius)...
Kết quả điều tra cây dược liệu vùng Tây Nguyên cho thấy mỗi tỉnh đều có 300 - 400 loài cây thuốc, trong đó hầu hết có các loại thuốc quan trọng như sâm bổ chính, thiên niên động, sa nhân, địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô trắng, bách bộ, hoài sơn và một số ít phân bố trên địa bàn hẹp như mã tiền vàng đắng, sơn trà và sâm ngọc linh...
Ngoài các cây tự nhiên nói trên, khu vực này còn có nguồn tài nguyên thực vật nuôi trồng rất phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như các loại cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, cây có dầu, rau và cây cảnh... Hiện đã thống kê được (chủ yếu ở vùng Tây Nguyên) khoảng hơn 300 loài, trong đó hơn 3/4 là các loại cây nhập nội có nguồn gốc từ các vùng khí hậu khác nhau trên thế giới.
c. Tài nguyên động vật
Nguồn tài nguyên động vật hoang dã của khu vực biên giới ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam nói chung và gia súc nói riêng hết sức phong phú. Nhiều loài động vật không những có giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu và du lịch mà còn có ý nghĩa khoa học lớn của thế giới. Tuy nhiên tiềm năng thế mạnh này chưa được chú trọng khai thác có hiệu quả.
Việc bảo tồn trong ngành thuỷ sản là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững vì một số loài hiện đã bị cạn kiệt về số lượng, đang trong tình trạng nguy hiểm và rất nguy hiểm do hậu quả của việc khai thác quá tải hoặc bị tác động từ sự biến đổi của thuỷ học và môi trường sống.
Riêng vùng Tây Nguyên đã thống kê có 525 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 102 loài thú, 323 loài chim và 91 loài bò sát, ếch nhái và 70 loài cá nước ngọt. Đặc biệt có 32 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ và 17 loài được Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quốc tế IUCN xếp vào danh sách các loài động vật quí hiếm của thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt như bò tót, bò ben teng (bò rừng), bò kyprây (bò xám), hổ, báo, tê giác, nai cà tông, hươu vàng, công, trĩ sao, gà tiền mặt đỏ...
Ngoài ra đây là là vùng có số lượng voi khá lớn và tập đoàn móng guốc và động vật ăn cỏ, ăn lá rất phong phú. Nhiều loại thú nhỏ hơn như nai, hoẵng, cheo cheo, lợn rừng... có số lượng khá lớn là nguồn cung cấp thịt đáng kể cho nhân dân địa phương.
Điều kiện của khu vực này tương đối phù hợp với sự phát triển của các loại động vật nuôi như trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá...với tiềm năng còn rất lớn. Mặc dù khó khăn do thiếu thức ăn và nước uống về mùa khô nhưng nếu có phương thức phát triển hợp lý chắc chắn ngành chăn nuôi của khu vực này sẽ phát triển khá mạnh, nhất là chăn nuôi gia súc lớn.
Tóm lại, tài nguyên sinh vật rất đa dạng và phong phú về số lượng loài và các loại dộng thực vật quý hiếm. Đây là một vùng có nguồn gien của thiên nhiên vùng nhiệt đới, là một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học rất cao, có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn nguồn gien ở Đông Nam Á. Tuy nhiên trong những năm qua do khai thác không hợp lý nên đến nay tài nguyên sinh vật của khu vực bị giảm sút nhiều, có nhiều loài quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do vậy việc đầu tư bảo vệ, gìn giữ và phát triển tài nguyên sinh vật khu vực biên giới ba nước là một trong những hướng đầu tư cần phải được ưu tiên.
5. Khoáng sản
Tiềm năng khoáng sản của khu vực Tam giác phát triển rất đa dạng với các mỏ nhôm, mỏ vàng, đá quí… Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có tới trên 200 mỏ và điểm quặng. Đáng kể nhất là Bôxit có trữ lượng quặng nguyên là 305 tỷ tấn, quặng tinh là 1,5 tỷ tấn. Vàng có tới 21 điểm với trữ lượng 8,82 tấn vàng gốc và 465 tấn vàng quặng phân bố rải rác ở cả các tỉnh. Đá quý có ở ĐăkMin, Chư Sê, Pleiku, Đăk Me, Đăk Hia với nhiều loại đá các màu xanh ngọc, xanh lục, xanh opal, nâu, trắng, vàng, xám đen... Tài nguyên khoáng sản ở vùng Nam Lào chưa có điều tra đánh giá đầy đủ, các khoáng sản chính gồm quặng đồng, thiếc, vàng, đá quý (Attapư); than đá, vàng... Tài nguyên khoáng sản ở 2 tỉnh Rattanakiri và Stung Treng gồm có vàng, lưu huỳnh, đồng, ma giê, các loại đá quý…Nhiều loại khoáng sản được phát hiện tại tỉnh Stung Treng và tỉnh Rattanakiri như vàng, kim loại, khoáng chất, than đá và nhiều loại đá quý khác. Vào thập kỷ cuối này nhiều loại vàng và đá quý mới được phát hiện tại tỉnh Rattanakiri chứng tỏ khu vực có tiềm năng khoáng sản lớn./.
    Tổng số lượt xem: 1087
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn