Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Date 23/05/2016-15:11:00 PM
GIỚI THIỆU TAM GIÁC PHÁT TRIỂN CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM

Tam giác Phát triển Campuchia - Lào -Việt Namlà một khu vực ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác Phát triển này baogồm 13 tỉnh, đó là Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia, Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Sáng kiến thành lập Tam giác Phát triển do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đưa ra tại cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Campuchia - Lào - Việt Namlần thứ nhất tại Viêng Chăn (1999).
Tại cuộc họp cấp cao lần thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh (2002), ba Thủ tướng đã cam kết sẽ ưu tiên triển khai hợp tác trong khu vực Tam giác Phát triển trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Các nhóm chuyên gia ba nước bắt đầu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tam giác Phát triển.
Tại cuộc họp cấp cao lần thứ ba tại Siem Reap (2004), ba Thủ tướng đã khẳng định lại Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Namlà khu vực hết sức quan trọng; ba nước cần phối hợp để phát triển, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ mười tại Viêng Chăn (tháng 11/2004), ba Thủ tướng đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tam giác Phát triển và ký Tuyên bố Viêng Chăn về xây dựng Tam giác phát triển. Cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, ba Thủ tướng đã tham gia Hội nghị cấp cao giữa các nước khu vực Tam giác Phát triển với Nhật Bản lần thứ nhất.
Hội nghị cấp cao giữa các nước khu vực Tam giác Phát triển với Nhật Bản lần thứ hai được tổ chức tại Kuala Lumpur tháng 12/2005. Tại cả hai cuộc Hội nghị, Nhật Bản đã cam kết ủng hộ ba nước đầu tư cho khu vực Tam giác Phát triển và bước đầu hỗ trợ 2 tỷ Yên cho một số dự án nhỏ về dân sinh trong khu vực. Gần đây, các nước thuộc khu vực Tam giác Phát triển đã đề nghị phía Nhật Bản tài trợ cho 12 dự án ưu tiên thuộc lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế với tổng số vốn đầu tư gần 300 triệu USD.
Tại Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ tư được tổ chức tại Đà Lạt (tháng12/2006), ba Thủ tướng đã cam kết tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong khu vực Tam giác Phát triển thông qua các biện pháp như thành lập một Ủy ban điều phối chung, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ năm được tổ chức tại Viêng Chăn (tháng 11/2008), ba Thủ tướng thống nhất đưa ra các hướng ưu tiên để phát triển khu vực Tam giác Phát triển như đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện qua lại khu vực Tam giác Phát triển; huy động các nguồn nội lực của mỗi nước và thu hút đầu tư vào khu vực Tam giác Phát triển; xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác Phát triển.
Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển lần thứ sáu được tổ chức tại Phnompenh, Campuchia (10/2010). Ba Thủ tướng đã trao đổi và đánh giá cao các kết quả hợp tác đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của 13 tỉnh thuộc Tam giác Phát triển. Tuy nhiên, ba Thủ tướng cũng nhất trí cho rằng Tam giác Phát triển vẫn là khu vực có trình độ phát triển thấp so với các khu vực khác do đó cả ba nước cần có sự quan tâm và ưu tiên trong chính sách phát triển đối với khu vực này.
Hội nghị cấp cao lần thứ sáu cũng đã xem xét và thông qua bản sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì xây dựng thay thế cho bản Quy hoạch cũ năm 2004. Ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký điều chỉnh Biên bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác Phát triển giữa Chủ tịch Uỷ ban điều phối chung ba nước.
Về hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể
Về giao thông, các tuyến đường liên kết các tỉnh của ba nước trong khu vực Tam giác Phát triển được ưu tiên phát triển như quốc lộ 40 nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kom Tum). Đối với Lào, đường 18B đã hoàn thành tháng 5/2006 để nối thông với Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam. Đối với Campuchia, Việt Nam cho Campuchia vay ưu đãi xây dựng đường 78 từ Banlung (tỉnh Ratanakiri) đi Ou Ya Dav (tỉnh Ratanakiri) dài 70km, vốn đầu tư khoảng 26 triệu USD, khởi công từ tháng 1/2007, hoàn thành tháng 3/2010.
Về năng lượng, Việt Nam đã đưa vào vận hành thủy điện Ialy (720MW) và chuẩn bị khởi công thủy điện Buôn Kướp (280MW) cùng hệ thống lưới truyền tải 220kV, 110kV. Lào đã cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng thủy điện Sekaman 3 (250 MW) và hòa lưới điện quốc gia Lào vào cuối năm 2012, dự án thuỷ điện Sekaman 1 đã được khởi công, dự án Sekaman 4 mới được cấp Giấy phép đầu tư, các dự án Sekong 4, Sekong 5, Sepien- Senamnoi đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.
Về thương mại, đầu tư, Việt Nam cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và đang hỗ trợ Lào xây dựng trạm liên kiểm cửa khẩu Phu Cưa (đối diện cửa khẩu Bờ Y). Trạm liên kiểm tại Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đang triển khai. Việt Nam hỗ trợ Campuchia xây dựng chợ biên giới Ou Ya Dav, tỉnh Ratanakiri thông qua viện trợ không hoàn lại. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đầu tư vào các tỉnh của Lào và Campuchia trong khu vực Tam giác xây dựng cơ sở chế biến với phương châm “vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam, lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Campuchia".
Về đào tạo, Việt Nam tiếp nhận khoảng 50 cán bộ, học sinh của Lào mỗi năm sang học tập tại các tỉnh trong Tam giác phát triển và đang đầu tư xây dựng mới khu ký túc xá học sinh Lào, Campuchia tại trường Đại học Tây Nguyên. Trước mắt, Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng trường dân tộc nội trú tại tỉnh Sêkông, hỗ trợ Campuchia xây dựng trường phổ thông nội trú với quy mô 150 học sinh tại Ban Lung tỉnh Ratanakiri bằng viện trợ không hoàn lại (gần 1 triệu USD/ trường).
Về cơ chế phối hợp,
Bên cạnh các cuộc Hội nghị cấp cao, ba Thủ tướng đã nhất trí thành lập Uỷ ban điều phối chung khu vực Tam giác Phát triển, gồm 4 tiểu ban: kinh tế, xã hội - môi trường, địa phương, an ninh - đối ngoại. Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Uỷ ban và uỷ viên Uỷ ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong khu vực Tam giác Phát triển. Uỷ ban điều phối chung họp thường niên trên cơ sở luân phiên. Phiên họp thứ 1 Ủy ban điều phối chung đã được tổ chức tháng 5/2007 tại Pleiku, Việt Nam. Phiên họp thứ 2 đã được tổ chức tại Campuchia vào tháng 2/2008. Phiên họp lần thứ 3 được tổ chức tại Lào tháng 11/2008. Hội nghị Ủy ban Điều phối lần thứ 4 được tổ chức tại Đắk Lắk, Việt Nam vào ngày 12/2009.
Tam giác Phát triển là khu vực biên giới ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam gồm 13 tỉnh có đường biên giới hoặc có liên quan đến khu vực biên giới chung giữa ba nước là Mondulkiri, Rattanakiri, Stung Treng và Kratié (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong và Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam). Tổng diện tích tự nhiên là 144.341 km2, tổng dân số năm 2008 khoảng6,5 triệu dân(mật độ dân số 45 người/km2), chiếm 19,3% về diện tích tự nhiên và 6,1% về dân số so với cả ba nước, trong đó:
- Vùng các tỉnh thuộc Tây Nguyên của Việt Nam bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước với diện tích tự nhiên 51.520 km2, dân số năm 2011 là 4.663 nghìn người, mật độ dân số90 người/km2 .
- Vùng các tỉnh Đông bắc của Campuchia bao gồm tỉnh Mondulkiri, tỉnh Ratanakiri, tỉnh Stung Treng và tỉnh Kratié với diện tích tự nhiên khoảng 48.743 km2. Dân sốnăm 2008 là 684 nghìn người, mật độ dân số 14 người/km2.
- Vùng các tỉnh Nam Lào bao gồm tỉnh Attapu, tỉnh Salavan, tỉnh Sekong và Champasak với diện tích tự nhiên khoảng 44.091 km2, dân số năm 2008 là 1.198 nghìn người, mật độ dân số gần 27 người/km2.

    Viewed: 50107
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

ຂ່າວສານເອເລັກໂຕຼນິກ ກ່ຽວກັບສາມຫຼ່ຽມພັດທະນາ ລາວ-ຫວຽດາມ-ກຳປູເຈຍ
ລິຂະສິດຂອງ­­­­
ທີ່ຢູ່: ເລກທີ 01004, 23 Singha Road, Vientiane Capital, Lao PDR, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ • ໂທລະສັບ:(856-21)415479; 454218 • Fax: +856 21 414009 • Email: ict@mofa.gov.la