Hàn Quốc đặt mục tiêu thu hút 150.000 lao động chuyên môn từ nước ngoài vào năm 2035, như một phần của "lộ trình phát triển năng động" nhằm giải quyết tình trạng đà tăng trưởng suy yếu.
|
Hàn Quốc đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 3/7, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đã đặt mục tiêu thu hút 150.000 lao động chuyên môn từ nước ngoài vào năm 2035, tăng gấp đôi so với con số 72.000 của năm 2023, để nâng cao năng suất trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động ở nước này đang suy giảm.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới vào năm 2027.
Chiến lược này nhằm tạo ra một mạng lưới kinh doanh quốc tế mạnh giữa lúc cạnh tranh toàn cầu về vật liệu chiến lược ngày càng gay gắt và chuỗi cung ứng mong manh.
Các kế hoạch trên là một phần của "Lộ trình phát triển năng động của Hàn Quốc," một bộ mục tiêu chính sách dài hạn toàn diện được Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) cùng các bộ liên quan công bố ngày 3/7 nhằm giải quyết tình trạng đà tăng trưởng suy yếu của nước này.
Hiện các kế hoạch này đang được triển khai vì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm xuống mức 1% trong những năm tới và có khả năng xuống dưới 1% sau năm 2035.
Bất chấp dự báo này, MOEF đã điều chỉnh tăng triển vọng tăng trưởng năm nay từ 2,2% lên 2,6%.
Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Kim Byoung Hwan cho biết trong một cuộc họp báo sơ bộ: "Hàn Quốc đang phải vật lộn với sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng tiềm năng sau khi đạt được sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có với 'Phép màu sông Hàn'" hay "Kỳ tích sông Hàn."
Ông nhấn mạnh một cuộc cải cách cơ cấu toàn diện là rất quan trọng để thiết lập "một chu kỳ lành mạnh của tăng trưởng kinh tế và sự dịch chuyển xã hội."
Thứ trưởng Kim Byoung Hwan khẳng định những cải cách như vậy sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.
Chính phủ Hàn Quốc coi việc thu hút 150.000 lao động nước ngoài có tay nghề là điều cần thiết vì nhận thấy rằng quốc gia này tụt hậu xa so với các nền kinh tế lớn khác trong việc sử dụng hiệu quả lao động chuyên môn từ nước ngoài.
Ví dụ, trong giai đoạn 2012-2023, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề tại Hàn Quốc chỉ tăng từ 50.000 lên 72.000.
Ngược lại, Nhật Bản đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể từ 124.000 lên 480.000 lao động nước ngoài có tay nghề trong cùng khoảng thời gian.
Để nâng cao năng suất lao động, Chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung vào việc phát triển các ngành dịch vụ mới và đầu tư đáng kể vào Trí tuệ Nhân tạo, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học./.