Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Date 27/05/2016-11:09:00 AM
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CHUNG

Trong phần dưới đây chủ yếu đề cập những giải pháp quan trọng triển khai thực hiện Qui hoạch, được xây dựng dựa trên những nội dung trao đổi, làm việc với các nhóm Công tác của Campuchia và Lào về Tam giác phát triển thời gian qua, kế thừa kinh nghiệm hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, kinh nghiệm xây dựng một số Tam giác phát triển trong Khu vực, và nhu cầu hợp tác phát triển của các địa phương trong Tam giác phát triển.

Việc triển khai các dự án hợp trong Tam giác phát triển dựa trên nguyên tắc “đồng thuận”. Trên thực tế không phải tất cả các dự án trong Tam giác phát triển các bên đều quan tâm, do vậy các dự án song phương được khuyến khích triển khai. Theo kinh nghiệm thành công của các Tam giác phát triển, trong thời gian đầu qui mô các dự án thường nhỏ do khó huy động nguồn vốn, việc triển khai thành công các dự án nhỏ này tạo tiền đề cho các dự án tiếp theo với qui mô tăng dần. Đối với Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam các giải pháp vừa phải tạo được cơ chế phối hợp giữa các bên ở cấp trung ương và địa phương, vừa phải xây dựng được các chính sách tạo tiền đề cho sự phối hợp có hiệu quả.

Xây dựng chương trình phối hợp chung

Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của các Tam giác phát triển là sự cam kết của các bên về mặt chính trị, thể hiện quyết tâm hợp tác phát triển của các nước. Đối với Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-campuchia, yếu tố này đã được khẳng định qua việc Thủ tướng ba nước nhất trí về việc xây dựng Tam giác phát triển; trong các kỳ gặp mặt hàng năm, những vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển được thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam quan tâm trao đổi, quyết định. Để sự hợp tác phát triển có hiệu quả cần xây dựng một chương trình phối hợp chung cho các Bộ ngành, các địa phương ba nước, và giữa trung ương và địa phương của mỗi nước.

1. Sự phối hợp ở cấp Trung ương

Do đặc thù phát triển của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về quản lý kinh tế, sự phối hợp của các Bộ ngành trung ương đóng một vai trò quan trọng. Cho đến nay, sự phối hợp đã hình thành theo cơ chế song phương, hàng năm đều có các cuộc họp của các Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Trong giai đoạn khởi đầu, khi các dự án hợp tác chuẩn bị triển khai chưa nhiều, sự phối hợp mang tính song phương trên có thể giải quyết được các vấn đề mà hai bên quan tâm hợp tác trên vùng Tam giác phát triển. Trong tầm dài hạn, trong khuôn khổ hợp tác sẽ có những dự án mà cả ba bên cùng quan tâm, hoặc chỉ cả ba bên hợp tác mới giải quyết được và phát huy hiệu quả, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có các cuộc gặp cấp Bộ trưởng (định kỳ hàng năm) nhằm giải quyết những vấn đề mang tính nguyêntắc cho vùng Tam giác phát triển mà cấp chuyên viên hoặc cấp địa phương không đủ thẩm quyền quyết định. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, ngoại thương, đối tác, nguồn vốn cho các dựa án, cơ chế đặc biệt, an ninh, quốc phòng...

Theo thoả thuận bước đầu giữa ba bên, mỗi nước đã hình thành một nhóm Công tác Tam giác phát triển, bao gồm chuyên viên các Bộ ngành quan trọng đối với Tam giác phát triển. Phía Việt Nam lấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nòng cốt, trong khi đó phía Lào là Bộ Ngoại giao và phía Campuchia là Bộ Thương mại. Nhiệm vụ trước tiên của các nhóm công tác chuẩn bị nội dung hợp tác trong Tam giác phát triển cho cuộc gặp ba Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam hàng năm. Trong thời gian trước mắt khi các dự án hợp tác còn ít với qui mô nhỏ, nhóm Công tác mang tính “liên ngành” hiện nay còn đáp ứng được và điều phối được các hoạt động hợp tác trong Vùng. Trong tương lai, khi gặp các dự án đòi hỏi mức độ chuyên sâu nhiều hơn, hoặc số lượng các dự án hợp tác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực nhiều hơn, đối với những ngành quan trọng, được ưu tiên, cần có một nhóm công tác chuyên ngành. Đối với vùng Tam giác phát triển, trước mặt cần thiết có những nhóm Công tác cho các lĩnh vực sau: Giao thông vận tải, Thuỷ điện và mạng lưới điện, Thương mại, Du lịch, Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến, Nguồn nhân lực và các vấn đề xã hội, Công nghệ và Môi trường.

2. Phối hợp cấp tỉnh

Trong Tam giác phát triển, địa phương vừa là chủ thể chính của sự hợp tác, vừa là nơi thụ hưởng những kết quả hợp tác. Do vậy kết quả của sự hợp tác rất phụ thuộc vào sự năng động, tích cực của chính quyền địa phương và khu vực doanh nghiệp ở đây.

Nhận thức được vấn đề nêu trên, trong cuộc họp ba Nhóm Công tác về Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ hai tại Viêng Chăn với sự tham gia của đại diện các địa phương trong Tam giác phát triển, các bên cho rằng nên tổ chức những cuộc gặp cấp tỉnh tạo điều kiện cho các địa phương và khu vực doanh nghiệp tiếp xúc với nhau, bàn bạc trao đổi về phương hướng và những dự án cụ thể, những vướng mắc cần tháo gỡ thông qua các cấp có thẩm quyền cao hơn. Cuộc gặp cấp tỉnh nên được tiến hành luân phiên giữa các địa phương trong Tam giác phát triển, phụ thuộc vào nhu cầu hợp tác. Kết hợp trong thời gian diễn ra các cuộc gặp cấp tỉnh có thể tổ chức cho các bên thăm quan, tiếp xúc với các đối tác...

Trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay của ba nước, đặc biệt Việt Nam và Lào; các Phòng Thương mại Công nghiệp chưa phát huy được vai trò tổ chức các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân như các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, do vậy trong giai đoạn trước mắt, cần cónhững Bộ phận thường trực về Tam giác phát triển ở các tỉnh trong Vùng. Để tạo sự chủ động cho bộ phận này phải có những kiến nghị cụ thể về phân cấp cho các tỉnh trong vùng Tam giác phát triển để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trong điều kiện ba nước hiện nay, để tạo điều kiện phối hợp trong việc triển khai các dự án theo qui hoạch Tam giác phát triển, có thể kiến nghị hình thức tổ chức phối hợp sau:

- Thành lập Uỷ ban điều phối về hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển.

Uỷ ban điều phối về hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển gồm các thành viên sau:

*Cấp Bộ trưởng làm Chủ tịch Uỷ ban.

*Thư ký Uỷ ban

*Bộ phận giúp việc của Uỷ ban là Nhóm Công tác Tam giác phát triển (thành viên là đại diện các Bộ, Ngành).

Uỷ ban có chức năng chính là phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia và Lào điều phối các hoạt động chung trong Tam giác phát triển. Giúp Chính phủ đôn đốc, theo dõi, làm đầu mối việc triển khai các chương trình, dự án theo Quy hoạch.

- Thành lập, duy trì các Tiểu nhóm công tác về hợp tác khu vực Tam giác phát triển ở một số Bộ ngành như: Giao thông vận tải; Công nghiệp; Nông nghiệp; Ngoại giao; Thương mại; Bưu chính - viễn thông; Du lịch; Y tế; Giáo dục; Quốc phòng; An ninh… và Văn phòng Chính phủ.

Các Tiểu nhóm công tác có chức năng nghiên cứu, đề xuất, theo dõi việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác trọng điểm cho từng thời kỳ trong Tam giác phát triển.

- Các địa phương trong Tam giác phát triển hình thành Ban Hợp tác phát triển khu vực các tỉnh biên giới và có cơ chế hoạt động thường kỳ. Ban Hợp tác phát triển do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập và chỉ đạo; Ban có bộ phận thư ký và giúp việc.

Ban Hợp tác hoạt động theo cơ chế phân cấp, chủ động hợp tác với các địa phương của hai nước bạn trong Tam giác phát triển về:

+ Đề xuất hình thức hợp tác trong Tam giác phát triển và cách thức phối hợp trong việc triển khai các dự án.

+ Đề xuất quy chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các tỉnh trong Tam giác phát triển.

+ Cùng các doanh nghiệp xây dựng các dự án cho các ngành sản xuất, các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ.

+ Đề xuất lên thư ký Uỷ ban điều phối hỗn hợp về hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển những vấn đề vượt quá thẩm quyền phân cấp để phối hợp với các nước bạn cùng giải quyết.

Việc phối hợp giữa Uỷ ban Điều phối hỗn hợp về hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển, các Ban Hợp tác phát triển của các địa phương và các Tiểu nhóm Công tác về Tam giác phát triển của các Bộ, ngành được thực hiện thông qua Thư ký Uỷ ban điều phối hỗn hợp về hợp tác phát triển khu vực Tam giác phát triển.

Source: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

REVIEW

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn