Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Date 04/05/2016-14:44:00 PM
DÂN TỘC - NGÔN NGỮ

Tính đến ngày 01/11/2013, dân số Việt Nam là 90.000.000 người-đứng thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 8 ở châu Á-trong đó dân số thành thị chiếm 32,3% và dân số nam là 49,5% tổng dân số. Việt Nam hiện đang ở cơ cấu dân số vàng với xu hướng giảm sinh và nâng cao tuổi thọ. Tốc độ tăng dân số giảm dần, từ 1,16% trong năm 2002 xuống 1,03% trong năm 2012. Lực lượng lao động tăng nhanh với tỷ lệ tăng trung bình 2,6%/năm, tương đương với 1.200.000 lao động/năm. Số người trong độ tuổi lao động từ 15-60 tuổi đã tăng từ 39.394.000 người năm 1999 lên tới 53.098.000 người năm 2012 trong đó lao động nam chiếm 51,4%. Hai thành phố đông dân nhất Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh (khoảng hơn 7,2 triệu) và thủ đô Hà Nội (khoảng hơn 6.7 triệu).

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi, có chiều hướng gia tăng nhờ điều kiện sống và chăm sóc y tế ngày càng được nâng cao. Số người trên 60 tuổi là khoảng hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước.

Description: http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_vietnam/nr040810154926/bieu%20do%20dan%20so.bmp

Dân tộc: Việt Nam là một quốc gia của 54 dân tộc cùng chung sống hòa thuận, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 87% dân số; 53 dân tộc còn lại có số lượng dao động trên dưới một triệu người như Tày, Nùng, Thái, Mường, Khmer cho đến vài trăm người như dân tộc Ơ Đu và Brâu. Dân tộc Kinh sống rải rác ở trên khắp lãnh thổ, nhưng tập trung nhiều nhất ở các đồng bằng và châu thổ các con sông. Họ là chủ nhân của nền văn minh lúa nước. Đa số các dân tộc còn lại sinh sống ở miền núi và trung du, trải dài từ Bắc vào Nam; hầu hết trong số họ sống xen kẽ nhau, điển hình là cộng đồng dân tộc thiểu số ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển không đồng đều. Ở Trung du và miền núi phía Bắc, các cư dân ở vùng thấp như Mường, Thái, Tày, Nùng sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước và nương rẫy, chăn nuôi gia súc và gia cầm, có một phần hái lượm, săn bắn, có nghề thủ công khá tinh xảo. Các dân tộc thiểu số ở phía Nam sống biệt lập hơn. Trừ người Chăm, Hoa và Khmer sống ở vùng duyên hải miền Trung, Nam Bộ có trình độ phát triển cao hơn, phần lớn các dân tộc còn lại ở Tây Nguyên sống theo tổ chức buôn-làng, kiếm sống dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung tự cấp. Tất cả các nhóm dân tộc đều có nền văn hóa riêng biệt và độc đáo. Tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc cũng khác biệt.

Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Nhiều chương trình quốc gia và chính sách ưu đãi nhằm bảo đảm quyền và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được thực hiện ở Việt Nam và phát huy hiệu quả tốt. Từ năm 2006 đến 2012, Việt Nam đã có 160 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi với nguồn kinh phí hỗ trợ lớn từ ngân sách. Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là chương trình lớn và quan trọng, đã lồng ghép các hạng mục phát triển kinh tế-xã hội như phát triển cơ sở hạ tầng công cộng cấp xã, tín dụng cho người nghèo, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và các chương trình khuyến nông. Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP cho thấy tỉ lệ nghèo đã giảm 4-5%/năm và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, điện, nước sạch của các hộ gia đình tăng đáng kể.

Ngôn ngữ: 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa truyền thống đặc sắc của mình; 24 dân tộc có chữ viết riêng như tiếng Thái, Mông, Tày, Nùng, Khmer, Gia Rai, Ê đê, Hoa, Chăm… Chữ viết của một số dân tộc thiểu số như Thái, Hoa, Khmer, Chăm, Ê-đê, Tày-Nùng, Cơ ho và chữ Lào được sử dụng trong các trường học.

Tiếng Việt được chọn là ngôn ngữ chung cho các dân tộc. Trong hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến bậc đại học, tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông, là công cụ để truyền thụ kiến thức; đồng thời cũng là công cụ giao tiếp, quản lý nhà nước của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

Chữ viết tiếng Việt ngày nay có xuất xứ từ thế kỷ XVII khi một nhóm các nhà truyền giáo châu Âu mà đại diện là giáo sỹ Alexandre de Rhodes đã giới thiệu mẫu chữ dựa trên mẫu tự La tinh. Sau đó chữ viết tiếng Việt ngày càng được phát triển và hoàn thiện đã trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Source: Website Bộ Ngoại giao Việt Nam

REVIEW

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn