Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Date 26/05/2016-16:03:00 PM
KINH NGHIỆM XÂY DỰNG TAM GIÁC PHÁT TRIỂN
Mặc dù có những khác biệt, chúng ta vẫn có thể mô tả những nét chung nhất của Tam giác phát triển. Tam giác phát triển thường bao gồm 3 quốc gia trở lên, mặc dù chỉ có một số phần của các quốc gia này trực tiếp nằm trong phạm vi đã được xác định. Tam giác phát triển không phải là các khối thương mại.
Các Tam giác phát triển thông thường được khởi đầu bởi Nhà nước và cần có sự tham gia của chính quyền ở cấp nhất định cho việc mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư trong tiểu vùng. Vai trò của Chính phủ là tạo ra môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của Tam giác phát triển, như là các khuôn khổ pháp luật và các điều khoản điều chỉnh. Cụ thể hơn, Chính phủ sẽ xác định chính sách khuyến khích đầu tư cho vùng lãnh thổ của nước mình thuộc Tam giác phát triển, kiểm soát thuế quan, biểu thời gian hải quan cho xuất nhập khẩu, điều tiết lượng người xuất nhập cảnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng bước đầu nhằm đáp ứng nhu cầu của Tam giác phát triển như điện, nước, đường giao thông...
Chức năng trọng tâm khác của Nhà nước là phát triển mối liên kết giữa các thành viên hợp tác, tiến tới sự thống nhất về hình thức căn bản của Tam giác phát triển và những đòi hỏi chung nhất về chính sách.
Đóng góp của các doanh nghiệp trong Tam giác phát triển là cung ứng vốn đầu tư và tạo ra các cơ hội việc làm, đồng thời tiến hành sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Hoạt động của các doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển, khi Nhà nước đã tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, sự thành công của tiểu vùng sẽ xoay quanh kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực cho thấy cần phải nhận thức rõ ràng rằng nhân tố quyết định để hình thành một Tam giác phát triển và khả năng thành công của Tam giác phát triển đó phụ thuộc chặt chẽ vào mối quan hệ Nhà nước - Tư nhân.
1. Cần phải thiết lập được mạng lưới thông tin song phương và các kênh liên lạc phi chính thức trong Tam giác phát triển
Quan hệ hợp tác song phương chính là bước khởi đầu để phát triển quan hệ hợp tác đa phương trong Tam giác phát triển. Mạng lưới song phương và các kênh thông tin liên lạc hình thành ở các mức độ khác nhau: giữa các Chính phủ; giữa các doanh nghiệp. Ở cấp Chính phủ, quan hệ hợp tác song phương cần thiết để hình thành Tam giác phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho một sự phát triển xuyên quốc gia. Do đó nếu muốn Tam giác phát triển thành công, điều quan trọng là phải duy trì mối quan hệ hợp tác giữa các Chính quyền Trung ương cũng như các Chính quyền địa phương. Mạng lưới liên lạc không chính thức giữa các doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng.
Nhà nước và doanh nghiệp nhất thiết phải đạt được những điểm chung thông qua trao đổi thông tin, ý tưởng về nhu cầu cũng như mối quan tâm của cả 2 phía.
2. Hợp tác phát triển bình đẳng cùng hỗ trợ lẫn nhau để phát triển có vai trò quan trọng tới sự thành công của Tam giác phát triển
Các tư liệu và dẫn chứng từ các nghiên cứu tình huống đều nhất trí rằng khả năng hợp tác bình đẳng là điều sống còn đối với việc phát triển hoạt động kinh tế qua biên giới. Tuy nhiên, các tài liệu về Tam giác phát triển chỉ xem xét có một khía cạnh của khả năng hợp tác bổ trợ lẫn nhau và đó là khả năng bổ trợ về điều kiện tài nguyên sẵn có. Một hình thái khác của khả năng hợp tác bổ trợ lẫn nhau có liên quan tới các lợi ích và thách thức.
Khả năng hợp tác bổ trợ của các thành viên của Tam giác phát triển được hình thành khi các thành viên có chung lợi ích nhận thấy rằng họ không thể đạt được những mục tiêu của mình một cách độc lập. Tương tự như vậy, sự hợp tác đảm bảo rằng khi phải đối mặt với những thách thức thì việc tất cả các thành viên cùng nhau giải quyết sẽ dễ dàng hơn so với trường hợpphải đương đầu một cách đơn lẻ.
3. Vai trò của "trung tâm" hay "cực tăng trưởng"
Những Tam giác phát triển thành công thường có một “trung tâm” hiện đại, giàu có, có tư bản thặng dư. Những Tam giác phát triển không có một trung tâm có khả năng tạo ra những yếu tố nêu trên cho những địa phương khác thì không phát triển thịnh vượng đáng kể. Rõ ràng là không phải mọi tiểu vùng đều có một trung tâm hoặc một cực tăng trưởng như Hongkong hoặc Singapore, và do vậy mà phải có những chiến lược khác để vận hành Tam giác phát triển. Do năng lực của các cấp chính quyền trong Tam giác phát triển là có hạn và do thiếu một trung tâm kinh tế đầu tàu, nên lựa chọn thay thế duy nhất là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp bằng cách tạo ra một môi trường kinh doanh lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh qua biên giới.
4. Sự gần gũi về địa lý: quan trọng nhưng ngày càng mất đi ý nghĩa
Sự gần gũi và tiếp giáp có lẽ vẫn sẽ quan trọng đối với những tiểu vùng thiếu thốn cơ sở hạ tầng hiện đại và công nghệ tiên tiến, vì những vùng này ít có điều kiện để có thể tận dụng những lợi thế so sánh trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc không có được sự gần gũi và tiếp giáp về mặt địa lý không được làm ảnh hưởng tới các hành động nhằm giải quyết khó khăn của tiểu vùng.
5. Đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp
Các Chính phủ hình thành những Tam giác phát triển, nhưng vai trò trong quá trình triển khai lại là doanh nghiệp. Các Tam giác phát triển thành công ở châu Á đều được đặc trưng bởi sự tham gia có mức độ của Chính quyền vào các hoạt động sản xuất của vùng tăng trưởng do các doanh nghiệp làm ăn phát đạt.
Ở Tam giác phát triển, giới kinh doanh gần đây mới được hình thành và chưa có khả năng đóng vai trò đầu tàu. Khi các công ty đa quốc gia và các chính quyền đã thực hiện vai trò của mình, các doanh nghiệp trong nước phải được củng cố để từ đó có thể dẫn đầu quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chính quyền có thể hỗ trợ sự phát triển của thành phần kinh doanh bằng cách cải thiện và mở rộng hệ thống giáo dục ở các cấp tiểu học, trung học và đại học, dành những nguồn lực lớn hơn cho nghiên cứu và triển khai, vàđẩy mạnh hoạt động của các trung tâm đào tạo nghề.
6. Vai trò của chính quyền trong việc tạo điều kiện cho Tam giác phát triển
a) Giảm thiểu tối đa những trở ngại về quy chế và cung cấp một khuôn khổ luật pháp cần thiết:
Một môi trường kinh doanh thuận lợi được đặc trưng bởi các thủ tục hành chính về đầu tư và thương mại đơn giản (bao gồm các dịch vụ cấp phép kinh doanh và đầu tư...một cửa), giảm thiểu hoặc bãi bỏ những chi phí giao dịch không cần thiết, ban hành các đạo luật về kinh doanh, và thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp.
b) Tránh định ra người thắng cuộc:
Chính quyền cần tập trung phát triển môi trường kinh doanh nêu trên và cần đơn giản để mặc cho thị trường quyết định những ngành nào được vào Tam giác phát triển.
c) Tiếp tục tự do hoá là một yếu tố then chốt:
Tiếp tục tự do hoá nền kinh tế quốc dân sẽ tạo ra những lợi ích còn lớn hơn không chỉ cho các đơn vị tham gia vào Tam giác phát triển, mà cả cho toàn bộ cả nước.
d) Nhu cầu thể hiện một cam kết chính trị rõ ràng:
Cam kết của chính quyền đối với Tam giác phát triển là điều sống còn để nó thành công.
e) Tăng cường các yếu tố vi mô về cạnh tranh:
Chính quyền cần dành đủ sự chú ý cho việc tăng cường các yếu tố vi mô về cạnh tranh, chứ không phải là tập trung mọi sự chú ý vào môi trường vĩ mô.
7. Tiềm năng đối với các khu kinh tế đặc biệt
Dòng chảy ngày càng lớn của hàng hoá, nhân lực và tư bản vào một tiểu vùng có thể đòi hỏi chính quyền phải có những khuyến khích kinh tế đặc biệt. Điều này xảy ra vì hai lý do.Một là,bằng cách đưa ra những chính sách kinh tế đặc biệt cho vùng lãnh thổ của quốc gia nằm trong phạm vi Tam giác phát triển, Chính quyền thể hiện một cách rõ ràng cam kết của mình đối với Tam giác phát triển đó.Hai là,các điều kiện kinh tế thuận lợi tại các khu kinh tế đặc biệt đưa ra cho các nhà đầu tư những khuyến khích mà trước đây chưa từng có để họ có thể tiến hành sản xuất qua biên giới và các hoạt động kinh doanh mới./.
Source: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

REVIEW

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn