Trong những năm gần đây, các Tam giác phát triển có xu hướng được hình thành giữa các vùng tiếp giáp quốc gia nhằm tận dụng khả năng khai thác các luồng hàng hoá, lao động và vốn bằng cách sử dụng các nhân tố sản xuất bổ sung từ các quốc gia láng giềng.
Hiện nay, trong Khu vực Đông Nam Á đã hình thành và đi vào hoạt động một số Tam giác phát triển mà điển hình là Tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Singapore, Indonesia – Malaysia - Thái Lan, vùng lãnh thổ phát triển Brunei – Indonesia – Malaysia - Phillipines... Ngoài ra, ý tưởng xây dựng tam giác “Ngọc Bích” ở khu vực biên giới ba nước Campuchia - Lào - Thái Lan đã được các nhà lãnh đạo ba nước Campuchia, Lào và Thái Lan đề cập và bước đầu đã có những nghiên cứu tiền khả thi về tam giác này.
Nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa ba nước trên tinh thần láng giềng, hữu nghị truyền thống vốn có, tại cuộc gặp giữa ba Thủ tướng của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tháng 12 năm 1999 tại Viêng Chăn và tháng 01 năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh, ý tưởng về một Tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước, bao gồm một số tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Tây Nguyên Việt Nam đã được hình thành và trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác phát triển giữa ba nước.
Cuộc gặp lần thứ ba Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tại Xiêm Riệp, tháng 7 năm 2004, các bên đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước. Tuyên bố Viêng chăn về việc thiết lập Tam giác phát triển và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước đã được phê chuẩn ngày 28 tháng 11 năm 2004 tại Viêng chăn.
Mục tiêu và quan điểm phát triển khu vực Tam giác phát triển được xác định là:
(i)- Khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, các nguồn nội lực của từng tỉnh trong khu vực vào phát triển nền kinh tế sản xuất hàng hoá. Phát huy và sử dụng có hiệu quả (trước mắt và lâu dài) mọi tiềm năng và nguồn lực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững.
(ii)- Tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ vùng, thông qua các chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng; Hợp tác mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách thu hút nguồn lực từ bên ngoài; Gắn quá trình phát triển của mỗi nước với sự phát triển của từng địa phương trong khu vực Tam giác phát triển biên giới ba nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả trên từng ngành, từng tỉnh của khu vực.
(iii)- Hiệp tác phát triển giữa các địa phương trong khu vực được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển tốt Tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước có tính tới thu hút sự tham gia của nước thứ ba. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật và vốn đầu tư.
(iv)- Phát huy ưu thế đầu mối cửa ngõ ra biển của Việt Nam tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn giao lưu kinh tế, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế đẩy mạnh hợp tác phát triển để hỗ trợ lẫn nhau cùng lợi thế bổ sung và phối hợp để có sự phát triển tốt hơn cho khu vực và đảm bảo cho cả khu vực có được sự an ninh và phát triển.
II. Lịch sử hình thành và phát triển Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
- Tháng 12 năm 1999 tại Viêng Chăn (Lào): Cuộc gặp lần thứ nhất giữa ba Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam, ý tưởng về một Tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước, bao gồm một số tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Tây Nguyên Việt Nam đã được hình thành.
- Tháng 01 năm 2002 tại thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam): Cuộc gặp lần thứ hai giữa ba Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam nhất trí giao phía Việt Nam phối hợp với phía Lào và phía Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tam giác ba nước.
- Tháng 7 năm 2004 tại Xiêm Riệp (Campuchia): Cuộc gặp lần thứ ba ba Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển.
- Ngày 28 tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn (Lào): Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam đã ra Tuyên bố ViêngChăn về việc thiết lập Tam giác phát triển và định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác ba nước.
- Tháng 11 năm 2004 tại Viêng Chăn (Lào): Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển với Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Thủ tướng 3 nước đã trao cho Thủ tướng Nhật Bản danh mục 12 dự án ưu tiên sử dụng ODA trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế và kết nối mạng điện ba nước trong khu vực Tam giác phát triển.
- Tháng 12 năm 2005 trước thềm Hội nghị ASEAN 11 tại Kuala Lupur (Malaysia): Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển với Nhật Bản lần thứ hai được tổ chức, phía Nhật Bản đưa ra khoản hỗ trợ 2 tỷ Yên cho 16 dự án về y tế, giáo dục và dân sinh (trong đó, Việt Nam 09 dự án, Campuchia 05 dự án, Lào 02 dự án).
- Ngày 3 tháng 12 năm 2006 tại Đà Lạt (Việt Nam): Cuộc gặp lần thứ tư giữa ba Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt Nam đã trao đổi các nội dung: Đưa Uỷ ban điều phối của mỗi nước đã thoả thuận vào hoạt động; nghiên cứu chung về những cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng cho khu vực Tam giác phát triển tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển, có sự tham gia của Nhật Bản và các đối tác quan tâm khác.
- Ngày 26 tháng 11 năm 2008 tại Viêng Chăn (Lào): Hội nghị cấp cao lần thứ năm giữa 3 Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt nam đã được tổ chức, Ba Thủ tướng nhất trí sớm hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch Tam giác phát triển đến năm 2020 theo hướng gắn kết quy hoạch, kế hoạch phát triển của mỗi nước với các hợp tác tiểu vùng Mekong, đặc biệt là gắn quy hoạch phát triển giao thông, công nghiệp - năng lượng, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm với những chương trình, dự án ưu tiên của ba nước, có kế hoạch, lộ trình cụ thể huy động nguồn lực để triển khai các dự án này; Nhất trí ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Lào về việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Tam giác phát triển nhằm tăng cường đối thoại giữa ba chính phủ với các doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích họ đóng góp vào sự phát triển của Tam giác. Ba Thủ tướng cũng đồng ý việc tổ chức Diễn đàn thanh niên Tam giác phát triển để thế hệ trẻ ba nước, đặc biệt là thế hệ trẻ trong Tam giác phát triển, tăng cường giao lưu, hiểu biết, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Ba Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Tam giác phát triển với Nhật Bản trong việc xây dựng Tam giác phát triển; khẳng định tiếp tục hợp tác với Nhật Bản để thực hiện tốt các dự án đã được thông qua và mong muốn Nhật Bản tăng cường tài trợ cho Tam giác phát triển. Ba Thủ tướng đã trao đổi ý kiến về cơ chế huy động vốn cho khu vực Tam giác phát triển và nhấn mạnh vai trò then chốt của đầu tư nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, coi trọng phát huy các tiềm năng sẵn có; nhất trí tăng cường phối hợp vận động tài trợ, đầu tư nước ngoài vào Tam giác phát triển.
- Ngày 16 tháng 11 năm 2010 tại Phnom Penh (Campuchia): Hội nghị cấp cao lần thứ sáu giữa 3 Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt nam đã được tổ chức. Kết thúc Hội nghị, ba Thủ tướng đã ký Tuyến bố chung khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác chặt chẽ nhằm biến khu vực Tam giác Phát triển thành một khu vực ổn định về an ninh, chính trị và phát triển về kinh tế. Ba Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác phát triển giữa ba Chủ tịch Ủy ban điều phối.
- Ngày 12 tháng 03 năm 2013 tại Viêng Chăn (Lào): Hội nghị cấp cao lần thứ bảy giữa 3 Thủ tướng Campuchia, Lào và Việt nam đã được tổ chức, các thỏa thuận đã được thống nhất trong kỳ họp này là tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm triển khai một cách hiệu quả hơn nữa Quy hoạch tổng thể đã được điều chỉnh năm 2010; tập trung rà soát lại các thoả thuận song phương và đa phương hiện có của ba nước và xây dựng hiệp định về xúc tiến tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực Tam giác Phát triển; giao Bộ trưởng Giao thông 3 nước xây dựng các quy trình để thực hiện có hiệu quả bản Ghi nhớ ba bên về giao thông đường bộ giữa Chính phủ 3 nước tại Champasack (Lào)./.
Source: Bộ Kế hoạch và Đầu tư