Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Date 26/05/2016-15:58:00 PM
MỤC TIÊU – CƠ SỞ HÌNH THÀNH

I. Mục tiêu của việc hình thành các Tam giác phát triển

Việc hình thành các khu vực phát triển kinh tế theo vùng dựa trên một cơ sở chung là lợi ích thu được từ sự hợp tác tiểu vùng sẽ lớn hơn so với lợi ích có thể thu được từ những hoạt động độc lập. Tam giác phát triển là một hình thức hợp tác tiểu vùng thường là với ba nước thành viên. Cơ sở hình thành Tam giác phát triển sẽ được thảo luận cụ thể dưới đây dưới giác độ các luận chứng kinh tế, chính trị và xã hội.

II. Cơ sở hình thành các Tam giác phát triển

1. Dưới giác độ lợi ích kinh tế

Về mặt lý thuyết, một Tam giác phát triển sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng hiệu suất sử dụng các tiềm năng kinh tế sẵn có lên mức cao nhất tại khu vực phát triển mục tiêu.

Động lực phía sau việc tạo ra các Tam giác phát triển chính là nhận thức về lợi ích thu được từ sự hợp tác tiểu vùng sẽ lớn hơn so với lợi ích có thể thu được từ những hoạt động độc lập. Các Tam giác phát triển cho phép các quốc gia khắc phục hạn chế về lao động, công nghệ, tài nguyên, đất đai và cơ sở hạ tầng thông qua việc tiếp cận dễ dàng hơn với các yếu tố đầu vào này trong phạm vi tiểu vùng.

Ngoài lợi ích mang lại cho mỗi quốc gia, Tam giác phát triển còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế khu vực. Trong trường hợp sự hội nhập rộng rãi là khó có thể đạt được, những quan hệ mang tính song phương hay tiểu vùng có thể là những bước tiến đầu tiên để mở rộng quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

Các Tam giác phát triển có xu hướng được hình thành giữa các vùng tiếp giáp quốc gia, và trong nhiều trường hợp đó là các vùng lãnh thổ kém phát triển nhất.

2. Dưới giác độ lợi ích chính trị

Tam giác phát triển cũng có ý nghĩa trong việc củng cố hoà bình và an ninh trong khu vực. Để đưa Tam giác phát triển vào thực tế hoạt động, sự hợp tác này không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia, mà còn phát triển theo chiều sâu thành các mối quan hệ chính thức của chính quyền địa phương. Bằng cách tạo ra sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế địa phương, mà vũ lực sẽ là giải pháp ít có thể được lựa chọn nhất trong giải quyết tranh chấp do những tác động nó gây ra có thể phá vỡ các hoạt động kinh tế.

Tam giác phát triển cũng giúp gìn giữ an ninh trong nội bộ các quốc gia nhờ lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Ở phần lớn các quốc gia, vùng biên giới chủ yếu là khu vực sinh sống của các dân tộc ít người. Lợi ích kinh tế thu được từ việc mở rộng thương mại qua biên giới và đầu tư sẽ giúp phát triển vùng biên, nơi khó có được sự tập trung chú ý của các chiến lược phát triển quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài. Cải thiện mức sống người dân và đem lại thu nhập cao hơn cho họ sẽ giải quyết được phần lớn tranh chấp bắt nguồn từ kinh tế.

3. Dưới giác độ lợi ích xã hội

Cơ sở hình thành Tam giác phát triển dưới giác độ luận chứng xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với cơ sở hình thành dưới giác độ kinh tế và chính trị. Phát triển giao lưu kinh tế nhờ các hoạt động thương mại qua biên giới sẽ làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau về văn hoá, từ đó cải thiện an ninh biên giới. Cũng như luận chứng kinh tế, luận chứng xã hội chỉ ra rằng mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống trong khu vực Tam giác phát triển sẽ được nâng lên. Có thể nói rằng, phát triển kinh tế sẽ mang lại các lợi ích khác kèm theo như giáo dục tốt hơn, y tế được cải thiện và củng cố hơn nữa an toàn xã hội.

Tam giác phát triển đảm bảo việc nâng cao đời sống người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong khu vực, thúc đẩy hợp tác ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia như buôn người qua biên giới, buôn bán thuốc phiện./.

Source: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

REVIEW

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn