Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Date 30/05/2016-10:30:00 AM
BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG HỢP TÁC PHÁT TRIỂN
CỦA KHU VỰC BIÊN GIỚI BA NƯỚC

1- Bối cảnh quốc tế

Trong những thập kỷ qua, tình hình thế giới đã có những biến đổi hết sức nhanh chóng và không thể lường trước được đã ảnh hưởng tới sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các nước đang phát triển. Tất cả các nước đều tìm kiếm lợi ích theo điều kiện của mình. Tình trạng tranh giành lẫn nhau để nắm lấy công nghệ mới, kể cả việc tranh giành thị trường tiêu thụ hàng hoá giữa các nước siêu cường về kinh tế đang diễn ra gay gắt. Việc kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác để bảo vệ lợi ích của nhóm nước và của mỗi quốc gia cũng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Xu thế hội nhập quốc tế vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn với sự phát triển kinh tế trong vùng Đông Nam Á sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đang bước vào thời kỳ phục hồi, có bước phát triển khá nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần sức cạnh tranh. Đây là một trong những yếu tố làm tăng áp lực đối với các nền kinh tế còn yếu.

Mặc dù ở một số khu vực của thế giới mâu thuẫn sắc tộc và mâu thuẫn về thương mại, kinh tế vẫn còn diễn ra, song xu thế hợp tác để phát triển ở trong từng khu vực, giữa các khu vực với nhau và giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau vẫn ngày một phát triển và trở thành xu thế chung đối với các quốc gia.

Tác động của khoa học công nghệ nhất là công nghệ tin học là một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi về kinh tế và quan hệ quốc tế. Đây là một trong những yếu tố biến vùng biên giới ba nước còn yếu về cơ sở hạ tầng có thể tiếp xúc nhanh và rẻ với thế giới bên ngoài. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đã tác động trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Các nước trong các khu vực khác nhau đã hình thành những liên minh tạo nên sự hợp tác và cạnh tranh mang tính quốc tế.

Trong tương lai mối quan hệ Á - Âu sẽ ngày càng phát triển. Châu Á cần tiếp thu những thành quả công nghệ tiến bộ của EU và EU cần thị trường để tiêu thụ sản phẩm và nhập hàng hoá của Châu Á. Sự hợp tác giữa hai khối nói trên sẽ đảm bảo cho sự ổn định và an ninh của khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á với 11 quốc gia thành viên, trước năm 2010 sẽ trở thành khu vực thương mại tự do (AFTA) nhằm mở rộng hợp tác phát triển kinh tế, bảo vệ hoà bình và sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời mở rộng hợp tác thương mại với các nước có tiềm năng lớn ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các nước ASEAN đã và đang quan tâm nhiều đến sự phát triển của khu vực Nam Lào - Đông Bắc Campuchia và vùng Trung Bộ của Việt Nam với việc mở đường xuyên các hành lang Đông – Tây.

Các tổ chức ngân hàng và tài chính quốc tế có những cam kết tích cực hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước chậm phát triển. Đây là một trong những cơ hội khá phù hợp với vùng 3 biên giới, nơi có cơ sở hạ tầng đang ở trong tình trạng yếu kém.

Thị trường nói chung bị chi phối nhiều bởi yếu tố kinh tế và chính trị, ngày càng khắt khe về chất lượng và chủng loại sản phẩm, điều đó tác động rất mạnh đến các nước sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Đối với khu vực biên giới ba nước, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông lâm sản, giá cả thường không ổn định trên thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, khu vực biên giới ba nước vừa có thời cơ thuận lợi và triển vọng mở rộng hợp tác hội nhập với thế giới và khu vực tạo ra sự phát triển cao, đồng thời cũng vừa đặt ra những thách thức lớn trong quá trình hội nhập vào thị trường thế giới và khu vực.

1.1- Các xu thế trên toàn cầu

Toàn cầu hoá, sự phụ thuộc lẫn nhau và tự do hoá thương mại. Tiến trình toàn cầu hoá các quá trình sản xuất và các thị trường tài chính cùng với những tiến bộ trong công nghệ giao thông và viễn thông đang làm thay đổi bản chất của hoạt động kinh doanh - làm cho các nền kinh tế trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Quá trình tự do hoá thương mại cũng đã có những bước tiến đáng kể, như đã được phản ánh trong các thoả thuận tham gia WTO và Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN.

Cũng như toàn cầu hoá, sự phụ thuộc lẫn nhau và tự do hoá thương mại cũng mang lại những rủi ro, cả về kinh tế lẫn chính trị. Có thể thấy điều này qua cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế châu Á năm 1997, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế có thể gây ra một hiệu ứng dây chuyền. Việc quản lý kinh tế một cách thoả đáng và việc phối hợp các chính sách đang ngày càng trở nên vô cùng quan trọng.

Các xu thế về đầu tư. Trong giai đoạn 2000-2003, dòng FDI giảm mạnh với tốc độ 23,4% bình quân năm. Tỷ lệ FDI vào các nước đang phát triển hiện nay đạt chưa tới 20% tổng đầu tư toàn thế giới, so với mức 40% vào giữa những năm 1990. Để cạnh tranh thu hút FDI, ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ phải thích nghi với những yếu tố quyết định đầu tư mới; sự tiến bộ công nghệ trong giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin... Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và giá nhân công thấp không còn là điều kiện đủ nữa. Khả năng thu hút FDI sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phạm vi mà ba nước có thể cung cấp các nguồn lực bổ sung, các dịch vụ cơ sở hạ tầng thoả đáng, các nhà cung ứng giỏi và khai thác công nghệ một cách hiệu quả. Trong dài hạn, dự báo luồng FDI sẽ tăng và có xu hướng chuyển từ sản xuất sang dịch vụ nhiều hơn. Dòng đầu tư gián tiếp có xu hướng tăng trở lại.

Mạng lưới cung ứng, sản xuất và phân phối toàn cầu. Một xu thế nữa là sự tăng cường liên kết thông qua các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) như là một bộ phận của mạng lưới cung ứng, sản xuất và phân phối toàn cầu.

Sản xuất và công nghệ. Hai trong số những xu thế quan trọng nhất của sản xuất và công nghệ là việc thu ngắn vòng đời sản phẩm và sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin (IT).

1.2- Các xu thế trong khu vực

Trong tương lai việc thiết lập các khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtraylia và Niu Di Lân sẽ xác định rõ vai trò của ASEAN và mang lại cơ hội và thách thức cho các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Campuchia, Lào và Việt Nam. Ba nước cần xây dựng các chương trình hợp tác và phát triển đặc biệt với sự chia sẻ nguồn vốn, kinh nghiệm, công nghệ và tài nguyên để mang lại nhiều lợi ích trong sự hợp tác của ASEAN với các đối tác kể trên. Việc giảm thuế và các hàng rào thương mại phi thuế quan là các nhân tố quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa 3 nước và đối phó với các yêu cầu cạnh tranh.

Mở rộng ASEAN. Việc mở rộng tư cách thành viên ASEAN tạo ra những cơ hội và thách thức đối với các nước GMS - đặc biệt là đối với những nước thành viên mới (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam). Khả năng ASEAN cộng ba (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) có thể sẽ xác định lại một cách căn bản vai trò của ASEAN, đưa ra những gợi ý quan trọng cho Chương trình hợp tác phát triển ba nước Campuchia - Lào – Việt Nam. Ba nước phải có khả năng tận dụng lợi thế của việc mở rộng này như tiết kiệm nhờ quy mô, chia sẻ nguồn lực, và những sáng kiến khác để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc giảm bớt những rào cản vật chất và phi vật chất đối với thương mại và chia sẻ nguồn lực sẽ là điều quan trọng để có thể đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

Tư cách thành viên WTO và vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực của Trung Quốc: Ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh của mình và nghiên cứu bổ sung những liên kết với các công ty trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực.

Những thị trường mới trỗi dậy ở Nam Á. Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, có những lợi thế quan trọng - trong đó có lợi thế về công nghệ tiên tiến và một lượng lớn nhân công có trình độ đại học. Trong tương lai gần ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam sẽ là cầu nối giữa Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á và Nam Á.

2. Những vấn đề và thách thức

Dưới đây sẽ trình bày 5 vấn đề và thách thức lớn cần phải được đưa vào khuôn khổ chiến lược về hợp tác kinh tế của Tam giác phát triển.

Tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển của khu vực tư nhân. Cần tiếp tục và đẩy nhanh cải cách thể chế, bao gồm việc củng cố các thị trường tài chính, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, tự do hoá thương mại và các chế độ đầu tư. Những trở ngại đối với thương mại qua biên giới phải được giải quyết, đáng chú ý nhất là vấn đề thủ tục giấy phép hải quan thiếu hiệu quả, chưa có những quy chế - quy trình minh bạch và cơ sở hạ tầng chưa thoả đáng.

Đẩy nhanh tốc độ hội nhập khu vực. Để sớm triển khai các nội dung hợp tác trong Tam giác phát triển cần tập trung vào các biện pháp thực tế ở cấp địa phương, bao gồm cả việc nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải - viễn thông và những thoả thuận xuyên biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự lưu chuyển người và hàng hoá.

Phát triển nguồn nhân lực. Phát triển kỹ năng và nâng cao trình độ của lực lượng lao động nói chung là mục tiêu vô cùng quan trọng để xoá giảm đói nghèo và biến tiềm năng của Tam giác phát triển thành hiện thực. Các sáng kiến của từng nước sẽ là phương tiện chiếm ưu thế để đạt được những mục tiêu này, thêm vào đó sự hợp tác kinh tế trong Tam giác phát triển có thể có những đóng góp quan trọng vào các lĩnh vực khác. Mạng lưới giáo dục - đào tạo cần được củng cố để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao công nghệ. Những vấn đề y tế chung, như chương trình y tế cộng đồng..., cũng phải được đề cập đến.

Bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển công bằng. Để Khu vực biên giới ba nước phát triển bền vững, cần phải dự báo một cách đầy đủ những tác động môi trường và xã hội từ các dự án đầu tư, thực hiện các biện pháp bảo vệ, đảm bảo sự cố gắng cao nhất nhằm giảm nhẹ những hiệu ứng không mong muốn. Sự tăng trưởng kinh tế bền vững vì người nghèo đòi hỏi phải có một chiến lược môi trường bao quát, một chiến lược được lồng ghép hoàn toàn vào quá trình phát triển và thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp vào quá trình ra quyết định. Sự tăng trưởng kinh tế bền vững vì người nghèo cũng đòi hỏi rằng lợi ích của những người bị các quyết định đầu tư ảnh hưởng nhiều nhất phải được tôn trọng đầy đủ.

Huy động các nguồn lực. Phải có cơ chế để huy động các nguồn lực. Khu vực tư nhân cũng cần tham gia nhiều hơn nữa, thực hiện vai trò của mình trong công tác tài trợ và thu hút nguồn tài trợ này.

3- Tác động của từng quốc gia đến phát triển kinh tế - xã hội của Tam giác phát triển

3.1- Campuchia: Trong những năm gần đây tình hình phát triển kinh tế – xã hội ổn định, nhiều lĩnh vực kinh tế đã có bước tăng trưởng cao trở lại như du lịch, đầu tư nước ngoài. Một số tổ chức nước ngoài cùng giúp đỡ để hoàn thành quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Chính phủ đã tiến hành nhiều cải cách trong hệ thống tài chính như luật thuế vào tháng 2 năm 1997,…đã tác động tốt đến sự phát triển của Cămpuchia nói chung và 2 tỉnh biên giới nói riêng. Từ năm 2004 Ca`mpuchia chính thức trở thành thành viên WTO. Với sự hỗ trợ của ADB, Campuchia đã hoàn thành qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đất nước, là tiền đề quan trọng để xem xét các nội dung hợp tác phát triển trong Tam giác phát triển

3.2- CHDCND Lào: Đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hôị đất nước cho giai đoạn đến 2020. Trong mấy năm gần đây kinh tế của Lào đang đứng trước tình hình lạm phát phi mã (đến 140%/năm), gây khó khăn cho việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế đã đề ra. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp kiên quyết nên tình trạng lạm phát phi mã được kìm chế và đang có xu thế giảm xuống, có lợi cho phát triển trong cả nước và hai tỉnh vùng biên giới Sekong và Attapư. Đường lối đối nội và đối ngoại của Lào rõ ràng làm người dân và các nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách phát triển và công cuộc hưng thịnh đất nước.

3.3- Việt Nam: Với chính sách đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với bên ngoài, quan hệ quốc tế của Việt Nam được mở rộng. Tiếp theo việc tham gia chính thức ASEAN (7/1995) và khu vực mậu dịch tự do AFTA, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị cấp cao tháng 11/ 1998 ở Malaixia là một bước mới trong quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện vai trò và vị trí ngày càng được nâng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam cũng đang hoàn thiện cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy tiến trình liên kết giữa các tỉnh, từng bước thúc đẩy việc gắn kết các vùng chuyên canh với thị trường. Nhiều chủ trương về phát triển kinh kế Tây Nguyên đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư.

REVIEW

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn