Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 01/01/2008-10:37:00 AM
Dự báo nhu cầu thị trường một số nông sản chính của khu vực
Đánh giá nhu cầu thị trường tiêu thụ là yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa ra định hướng phát triển, chuyển đổi cơ cấu sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Nhu cầu thị trường một số mặt hàng nông sản có giá trị và có tiềm năng phát triển của khu vực như sau:

1.Cà phê:Những tháng cuối năm 2002 giá cà phê trên thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, là tín hiệu tốt cho người sản xuất và xuất khẩu. Hiện tại sản lượng sản xuất cà phê thế giới đã vượt cầu. Xu hướng chung là mức tiêu thụ cà phê Rubusta có thể giảm hoặc tăng chậm, ngược lại xu hướng tiêu thụ cà phê Arabica tăng trung bình khoảng 3 - 3,5% trong những năm tới. Dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới tăng trung bình chỉ khoảng 1 - 1,3%/năm. Tuy nhiên tình hình thị trường cà phê đang diễn biến phức tạp, giá cả chưa ổn định. Việc gia nhập Hiệp hội các nước trồng cà phê (ACPC) và có những chiến lược phát triển cà phê dài hạn là rất cần thiết.

2. Cao su:Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, sự tăng cung vượt cầu của cao su trên thị trường đã gây ra sụt giá mặt hàng xuất khẩu chiến lược này. Xuất khẩu và nhập khẩu cao su trên thế giới hiện nay đang ở mức cân bằng (từ 4500 - 4800 nghìn tấn/năm). Thị trường cao su lớn nhất của khu vực là thị trường Trung quốc. Việc Malaisia, nước xuất khẩu cao su lớn trong khu vực, đang có chiến lược nâng cao diện tích cao su sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh về xuất khẩu cao su. Cao su của Việt Nam, Cămpuchia nói chung giá xuất khẩu thường thấp hơn sản phẩm cao su cùng loại của Thái lan và Malaisia khoảng 7 - 8% vì hạn chế về số lượng, cơ cấu sản phẩm và khách hàng. Tuy nhiên khu vực biên giới ba nước có lợi thế về giá thành sản xuất do có điều kiện thuận lợi về đất đai và giá lao động rẻ hơn. Điều quan trọng để phát triển được cao su là cần tạo lập thị trường cao su ổn định, giữ vững và mở rộng thị trường đã có và xúc tiến mở lại thị trường những năm trước đây như Nga và các nước Đông Âu...

3. Điều:Thị trường điều chủ yếu của Việt Nam hiện nay là Bắc Mỹ, châu Âu, chõu á, Australia, đặc biệt là chiếm lĩnh hầu hết thị trường Trung quốc. Việt Nam là một trong 50 quốc gia có sản lượng điều lớn. Nhân điều của Việt Nam được xếp vào hàng có chất lượng được thị trường ưa chuộng, chi phí đầu tư trồng và khai thác không cao, công nghệ chế biến hiệu quả cao hơn các nước châu Phi, ấn Độ... nên có sức cạnh tranh cao. Với tiềm năng đất đai, khí hậu thời tiết rất phù hợp với cây điều, với tiềm năng về thị trường và sức cạnh tranh, cây điều khu vực biên giới ba nước có điều kiện phát triển, cần có kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích nhằm tăng khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến đã có và mở thêm cơ sở chế biến ở các vùng nguyên liệu tập trung (như Rattanakiri...).

4. Tiêu:Trong thời gia qua hồ tiêu được giá, người dân vùng Tây Nguyên đã tự phát trồng hồ tiêu với diện tích lớn. Tuy nhiên theo đánh giá thì nhu cầu tiêu thụ của thế giới là có hạn, chỉ ở mức 210 - 220 nghìn tấn. Do đó thị trường tiêu thụ trong tương lai vẫn còn nhưng cần bố trí phát triển hợp lí, tránh tình trạng sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ.

5.Ca cao:Thị trường ca cao thế giới hiện nay đang tiếp tục thiếu cung (tiêu thụ vượt quá khả năng sản xuất). Theo dự báo của tổ chức ca cao thế giới (ICCO) mức tiêu thụ ca cao thế giới trong những năm tới tăng trung bình khoảng 5 - 7%/năm. Khả năng phát triển cây ca cao trở thành cây công nghiệp hàng hoá của khu vực Tam giác phát triển là có triển vọng. Tuy nhiên cần có chiến lược phát triển vững chắc, ổn định để từng bước chiếm lĩnh thị trường.

6. Bông:Hiện nay sản lượng bông của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của ngành dệt may. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành này khoảng 14%/năm, do vậy thị trường bông xơ còn rất lớn, ổn định lâu dài... Ngoài ra nhu cầu tiêu thụ bông của các nước trong khu vực khá lớn, nhất là thị trường Trung quốc và một số nước Đông Nam á khác...

Tóm lại, khu vực biên giới 3 nước có nhiều mặt hàng nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như cao su, điều, cà phê, tiêu... Với xu thế hội nhập kinh tế thế giới ngày nay, việc phát triển nông sản xuất khẩu là một hướng đi đúng đắn và phù hợp của khu vực này. Tuy nhiên việc không ngừng xúc tiến tìm kiếm và mở rộng thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh cũng như xác định cơ cấu sản phẩm, chủng loại sản phẩm và có kế hoạch phát triển hợp lí là vô cùng cần thiết đối với các vùng lãnh thổ của mỗi quốc gia trong khu vực.

    Tổng số lượt xem: 1697
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn