Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 16/03/2018-09:56:00 AM
GMS 6 và CLV 10 là những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018
(MPI) – Ngày 15/3/2018, tại Hà Nội diễn ra họp báo quốc tế về Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê công mở rộng lần thứ 6 (GMS 6), Hội nghị cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”. Chủ đề này mang ý nghĩa: Kỷ niệm 25 năm thành lập hợp tác GMS. Đồng thời, xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mê công thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Dự kiến có hơn 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Hội nghị Cấp cao CLV 10 sẽ rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về Phát triển kinh tế - xã hội Khu vực CLV giai đoạn 2010 - 2020”. Đồng thời, thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối kinh tế giữa ba nước.
Đây là những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018. Trong đó, tại phiên đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Tìm động lực cho tăng trưởng” tại Hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng/Trưởng đoàn Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc, Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, Tổng thư ký ASEAN…
Chương trình hợp tác GMS được ADB khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của ADB. Các nước thành viên của GMS gồm Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Hợp tác GMS nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Chiến lược hợp tác GMS về cơ bản dựa trên ba trụ cột chính là kết nối hạ tầng, tăng cường khả năng cạnh tranh và kết nối cộng đồng. Cho đến nay, GMS đã tổ chức 22 Hội nghị Bộ trưởng và 5 Hội nghị Thượng đỉnh. Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 29-31/3/2018.
Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là Khu vực biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, gồm 10 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan (Lào) và Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri (Campuchia). Năm 2009, ba nước nhất trí bổ sung tỉnh Bình Phước (Việt Nam), tỉnh Kratie (Campuchia) và tỉnh Champasak (Lào) vào khu vực Tam giác phát triển CLV.
Mục tiêu của việc hình thành Tam giác phát triển CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác Tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…
Về cơ chế hoạt động, bên cạnh các Hội nghị cấp cao, ba nước CLV đã nhất trí thành lập Ủy ban điều phối chung Tam giác phát triển với bốn tiểu ban: Kinh tế, Xã hội - Môi trường, Địa phương, An ninh - Đối ngoại. Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong khu vực Tam giác. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3450
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn