Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 18/07/2018-15:37:00 PM
Thỏa thuận hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam qua gần 20 năm hình thành và phát triển
(MPI) - Cho đến nay, Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (TGPT CLV) đã ký kết 06 văn bản về hợp tác. Các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong Khu vực TGPT này về cơ bản đều thống nhất, đồng bộ và tương thích với chính sách, pháp luật Việt Nam, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước đối với quan hệ, hợp tác với hai nước bạn Lào và Campuchia.
Từ trái sang: Bộ trưởng Thương mại Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Ủy ban điều phối Campuchia Pan Sorasak, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Su - phăn Keomixay và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban điều phối Việt Nam Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực TGPT CLVtổ chức ngày 19/12/2017, tại Bình Phước, Việt Nam. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Hợp tác vì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích của quốc gia

Việc triển khai, thực thi các thỏa thuận này đem lại kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân của Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn mối quan hệ lâu dài của Việt Nam với Lào và Campuchia trong Khu vực TGPT nói riêng và giữa ba nước nói chung.

Các thỏa thuận liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác như: kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, hải quan, giáo dục đào tạo… góp phần tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới và là tiền đề thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, cải thiện đời sống Nhân dân của 13 tỉnh trong Khu vực TGPT CLV.

Tính đến tháng 11 năm 2017, Việt Nam có 201 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 2,94 tỷ USD, trong đó có 48 dự án đầu tư nằm trong khu vực TGPT thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký phía Việt Nam là 1,61 tỷ USD. Phần lớn các dự án của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cao su.

Tính đến tháng 11 năm 2017, Việt Nam có 278 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 5 tỷ USD, trong đó có 65 dự án đầu tư vào Khu vực TGPT thuộc Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,98 tỷ USD, chiếm 23% tổng số dự án và 40% tổng vốn đầu tư Việt Nam vào Lào. Các dự án tập trung chủ yếu vào các ngành: nông lâm nghiệp (28 dự án), khai khoáng (11 dự án), công nghiệp chế biến chế tạo (12 dự án), còn lại là sản xuất điện, xây dựng, kinh doanh khách sạn, bán buôn bán lẻ các mặt hàng nông nghiệp vật tư.

Tăng cường hợp tác Khu vực TGPT CLVtrong giai đoạn mới

Để tăng cường hợp tác Khu vực TGPT CLV trong thời gian tới, ba nước cần tiếp tục phối hợp xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực TGPT CLV thời kỳ 2021-2030, xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV.

Tiếp tục thực hiện các hiệp định song phương và đa phương về kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức giữa các nước. Tăng cường sự phối hợp ở mọi cấp độ giữa các nước để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Đề xuất các lộ trình, cơ chế phù hợp với từng trường hợp cụ thể để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung, vừa đảm bảo lợi ích của các nước.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như các dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối. Phát huy tối đa sự hỗ trợ huy động nguồn lực từ các cơ chế tài chính ASEAN và châu Á khác như Quỹ kết cấu hạ tầng ASEAN (AIF), Quỹ hợp tác và Hội nhập Khu vực (RCIF), Quỹ sáng kiến đầu tư hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản... và các Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng phát triển mới (NDB)…

Về thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, ba nước cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong Khu vực TGPT với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực. Tích cực hỗ trợ cho các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực TGPT. Hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước tại Khu vực TGPT tìm hiểu hệ thống chính sách và pháp luật của ba nước trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp của các bên nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực các bên có thế mạnh.

Đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện đưa nhân lực, hàng hóa, thiết bị, phương tiện qua cửa khẩu thuận lợi. Giảm bớt gánh nặng về thủ tục, chi phí đưa người lao động là công dân ba nước CLV vào làm việc trong Khu vực TGPT. Đơn giản hóa thủ tục cấp phép liên vận cho các phương tiện hoạt động thương mại, tăng thời gian nhập cảnh tại Campuchia, tăng thêm hạn ngạch cho các phương tiện vận tải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu.

Đồng thời, đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại và du lịch theo hướng hiệu quả hơn. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch qua cửa khẩu theo phương châm “ba quốc gia, một điểm đến”. Sớm hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV và tổ chức triển khai thực hiện./.

Các chính sách, quy định áp dụng trong Khu vực TGPT CLV

1. Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hoàng gia Campuchia, Chính phủ nước nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực TGPT CLV;

2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực TGPT CLV đến năm 2010;

3. Thỏa thuận hợp tác về Quản lý và Điều hành Trang thông tin điện tử Khu vực TGPT CLV;

4. Hiệp định Xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong Khu vực TGPT CLV được ký tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 9 tổ chức tại Siêm Riệp năm 2016;

5. Kế hoạch Hành động kết nối nền kinh tế ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2030;

6. Biên bản Hội nghị Ủy ban điều phối chung Khu vực TGPT CLV từ Hội nghị lần thứ nhất đến nay là Hội nghị lần thứ 11.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3972
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn