Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 07/01/2024-10:38:00 AM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hợp tác Việt Nam - Lào đạt nhiều kết quả ấn tượng
(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Lào năm 2024 diễn ra ngày 07/01/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào cho biết, quán triệt kết luận của hai đồng chí Tổng Bí thư Việt Nam và Lào và nhiệm vụ hai đồng chí Thủ tướng Chính phủ giao tại kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa hai nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm và đã đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2023.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và các Bộ, ngành liên quan của hai nước tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Xỏn-xay Si-phăn-đon tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Hội nghị được diễn ra ngay trước Kỳ họp 46 của Ủy ban liên Chính phủ hợp tác song phương Việt Nam - Lào, là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Lào tới Việt Nam và là hoạt động đầy ý nghĩa mở đầu chuỗi các hoạt động hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2024. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được về hợp tác đầu tư trong thời gian qua và bàn giải pháp triển khai kế hoạch hợp tác trong năm 2024 giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

Đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2023, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Lũy kế đến nay, Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD và Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào.

Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao. Công tác an sinh xã hội tiếp tục phát huy tích cực, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp hơn 150 triệu USD cho công tác an sinh xã hội tại Lào.

Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng của Lào giải quyết các khó khăn cho một số dự án đầu tư lớn tại Lào, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và đã đạt được kết quả tích cực. Cùng với đó, mô hình hợp tác đầu tư ba bên Việt Nam - Lào và các nước tiên tiến bước đầu đã có tiến triển tích cực.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến và thu hút các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Lào trong lĩnh vực khai khoáng, nông lâm nghiệp, năng lượng tái tạo đã đạt được kết quả nhất định. Một số dự án năng lượng tái tạo lớn đăng ký đầu tư sang Lào để bán điện về Việt Nam. Các dự án hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu triển khai ban đầu, khi đi vào hoạt động sẽ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động, bổ sung nguồn thu ngân sách cho Chính phủ Lào, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động đầu tư, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và từ nội tại nền kinh tế của Lào như kinh tế vĩ mô không ổn định; chính sách pháp luật thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế;… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam có xu hướng đầu tư chậm lại do dư địa đầu tư vào các lĩnh vực có nguồn lực tự nhiên như đất đai, khoáng sản,…ngày càng giảm dần và môi trường đầu tư kinh doanh tại Lào chậm được cải thiện; đồng thời chính sách thuế của Lào còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp giá trị gia tăng cao,…

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào. Ảnh: MPI

Với mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung tập trung thực hiện trong thời gian tới. Một là, các cơ quan của Việt Nam và Lào phối hợp thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước, trọng tâm là thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án quy mô lớn tại Lào; mời gọi các đối tác tham gia mô hình hợp tác đầu tư 3 bên với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng; kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu.

Hai là, về phía các bộ, ngành và các cơ quan chức năng hai nước cần tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên với quyết tâm cao, nhanh và đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời, Việt Nam tiếp tục chia sẻ với phía Lào kinh nghiệm thu hút và quản lý hiệu quả đầu tư nước ngoài, đồng hành cùng với Lào trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ba là, đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng của Lào có giải pháp hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, thu hút đầu tư phát triển; xem xét, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; thường xuyên rà soát, khắc phục triệt để vấn đề chống lấn diện tích của các dự án; có những giải pháp điều chỉnh để hoàn thiện chính sách pháp luật tiệm cận với thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách ưu đãi vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; đơn giản và rút ngắn các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh thuận lợi và hiệu quả tại Lào.

Bốn là, về phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của Lào; kịp thời kiến nghị các cơ quan thẩm quyền của Lào và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài, cũng là cơ quan thường trực Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Hiệp hội doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam tại Lào để giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp; đề xuất các ý tưởng mới để sớm hiện thực hóa các dự án đầu tư tiềm năng trong hợp tác giữa hai nước; hướng dẫn các doanh nghiệp mới triển khai các dự án đầu tư tại Lào một cách hiệu quả; đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tiếp tục làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của Lào.

Năm 2024, Lào với cương vị là chủ tịch luân phiên của ASEAN đã đưa ra chủ đề: “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”. Trên tinh thần đó, với tư duy hợp tác mới và những biện pháp quyết liệt, mang tính đột phá của cả hai bên, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, hiệu quả cao cho hoạt động đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong Hội nghị, hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, nêu ra thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước. Nội dung chỉ đạo của hai Thủ tướng sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2024 và tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể ngay từ đầu năm 2024.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan và bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Xỏn-xay Si-phăn-đon phát biểu chỉ đạo một số nội dung cốt lõi và gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư vào Lào trong thời gian tới, tạo sung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 63
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn