Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 06/05/2014-14:54:00 PM
Giới thiệu tỉnh Bình Phước
Bình phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có độ cao trung bình trên 50m so với mặt nước biển, cách thành phố Hồ Chí Minh 110km, với các tuyến đường giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh nối với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.
Với đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 240km; trong tương lai, đường sắt Xuyên Á đi qua Bình Phước, nối Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanma sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp trong việc giao lưu hàng hóa không chỉ riêng cho tỉnh Bình Phước mà còn cả khu vực miền Đông Nam bộ.
Tỉnh có diện tích tự nhiên 687.462ha, khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Dân số hơn 921.411 người, trong đó có hơn 640.000 người trong độ tuổi lao động, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.500USD. Với lực lượng lao động dồi dào, phần lớn là lao động trẻ, năng động, sáng tạo, cần cù sẳn sàng đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Song song với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tỉnh tiếp tục xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư thiết thực, hiệu quả; vận dụng linh hoạt các chính sách của trung ương phối hợp tình hình thực tế địa phương; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chuẩn bị quỹ đất sạch để nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài trên địa bàn tỉnh.
Bình Phước đã và đang là địa điểm đầu tư tin cậy của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.“Hãy đến Bình Phước để nối tiếp thành công của bạn”
I. CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI
1.1 An ninh chính trị
An ninh chính trị của Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng luôn ổn định nhất trong khu vực và thế giới, là điều kiện rất tốt cho các nhà đầu tư an tâm đầu tư, sản xuất và phát triển kinh tế.
1.2 Dân số và nguồn lao động
Dân số hơn 921.411 người, trong đó có hơn 640.000 người trong độ tuổi lao động, đây là nguồn nhân lực dồi dào cho chiến lược phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 21 cơ sở đào tạo nghề với quy mô đào tạo từ 4.500 – 5.000 lao động/năm, trong đó khoảng 2.000 – 2.500 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, có tay nghề cao. Cộng với số lao động được đào tạo ở các cơ sở ngoài tỉnh, nâng tổng số lao động qua đào tạo của tỉnh Bình Phước lên khoảng 120.000 người/năm.
1.3 Cơ sở hạ tầng
Giao thông:hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp thông suốt. Các tuyến đường đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến quốc lộ chính: Quốc lộ 13 nối thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và đi qua các huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh đên cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và nối với Quốc lộ 7 của nước bạn Campuchia, chiều dài tuyến đường qua địa bàn tỉnh khoảng 80km; Quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn tỉnh với chiều dài 112,70km. Hai quốc lộ này tạo ra các cửa ngõ vào Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam và Vương quốc Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương buôn bán trong và ngoài nước.
Điện:Bình Phước có nhiều nhà máy thủy điện lớn như: thủy điện Thác Mơ, thủy điện Cần Đơn, thủy điện Srok Phu Miêng… với công suất 288MW. Các đường dây trung, hạ thế phủ khắp toàn tỉnh với hơn 5.000km đường điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Nước:Tỉnh có nhiều nhà máy nước lớn như nhà máy nước Đồng Xoài và các nhà máy nước: Thác Mơ, Phước Bình, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng công suất từ 6.000 đến 20.000m3/ngày-đêm… đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước uống cho dân cư và các dự án công nghiệp trong các khu và cụm công nghiệp.
II.BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG – THÔNG TIN
Mạng lưới bưu chính viễn thông đã phủ khắp các xã, phường, đáp ứng rất tốt nhu cầu thông tin liên lạc quốc tế, truyền dẫn thông tin kỹ thuật số. Sóng điện thoại di động phủ hầu hết trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới cáp quang được truyền dẫn đến hầu hết các trạm viễn thông ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh.
III. DỊCH VỤ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Hệ thống ngân hàng lớn đã có chi nhánh tại các huyện, thị như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Thương Tín, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nam Á…
Các dịch vụ bảo hiểm đã phát triển, bao gồm các công ty bảo hiểm như: Bảo Việt, Bảo Minh, Prudential… Chi cục Hải quan đã có tại các cửa khẩu đồng thời triển khai các Chi cục Hải quan tại các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu thông quan của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các dịch vụ khác tại tỉnh Bình Phước cũng ngày càng nâng cao và chuyên nghiệp hơn.
IV. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng hoàn thiện để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Bình Phước. Tỉnh có khí hậu ôn hòa, đất đai thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, năng suất lớn như: Cao su, điều, tiêu… Trong lòng đất có nhiều khoáng sản như: Cao lanh, bô-xít, puzơlan, đặc biệt là đá vôi có trữ lượng lớn (300 triệu tấn), là nguyên liệu phục vụ cho nhà máy xi măng với công suất đạt khoảng 2 triệu tấn/năm.
Kinh tế tăng trưởng tốc độ cao và ổn định, tăng trưởng GDP bình quân 2 năm 2011, 2012 đạt 12,33%. Năm 2012, thu ngân sách đạt 3.853 tỷ đồng. Lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, cần cù, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đầu tư liên quan đến thuế, giá thuê đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, quãng bá thương hiệu.
V. THU HÚT ĐẦU TƯ
Đến cuối tháng 12/2012 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 3.800 doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 28.000 tỷ đồng. Riêng về thu hút đầu tư FDI với 99 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 815 triệu USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 342,5 triệu USD (đạt gần 42,4% so với tổng vốn đăng ký), đến nay có 61 dự án đi vào hoạt động chính thức.
Các nhà đầu tư vào Bình Phước thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Braxin… với các dự án đang hoạt động sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
VI. SẢN XUẤT NÔNG – LÂM – CÔNG NGHIỆP
Đất canh tác ở Bình Phước rất màu mỡ, thích hợp phát triển cây công nghiệp. Tổng diện tích trồng cây lâu năm của toàn tỉnh là 369.190ha, trong đó diện tích trồng cây cao su 223.130ha, điều 140.150ha. Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng cao su và điều lớn nhất cả nước.
Với vị thế là một trong những tỉnh có sản lượng mủ cao su và hạt điều nguyên liệu lớn nhất cả nước, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp tại tỉnh Bình Phước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 ước đạt 20.143 tỷ đồng.
VII. DU LỊCH
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho du lịch sinh thái phát triển, Bình Phước đang đẩy mạnh đầu tư cho các khu du lịch sinh thái như Khu du lịch Mỹ Lệ, Khu du lịch Bà Rá – Thác Mơ… Hằng năm, các khu du lịch thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5940
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn