Skip Ribbon Commands
Skip to main content



Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
Chọn ngôn ngữ     English Khmer Laos Vietnamese
Ngày 04/07/2008-15:04:00 PM
Đắk Lắk: Trung tâm kinh tế của Tây Nguyên
"Đắk Lắk nằm trong tam giác phát triển biên giới 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam, đây là khu vực có vị trí chiến lược đối với cả 3 nước về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái".

Ông Dương Thanh Tương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trao đổi với chúng tôi

Thưa ông, cho đến nay Đắk Lắk được nhiều người xác định là trung tâm kinh tế của Tây Nguyên, điều này phải chăng do phát xuất từ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, hay từ những nhận định nào khác?

Chắc chắn là chúng ta đều dễ dàng thống nhất được với nhau về vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của Đắk Lắk. Còn về kinh tế, theo tôi đây cũng có vị trí quan trọng và mang ý nghĩa chiến lược không chỉ với Tây Nguyên, mà còn với vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia.

Đắk Lắk hiện cũng là tỉnh có diện tích đất tự nhiên và dân số lớn nhất, nhì Tây Nguyên, với khoảng 1,3 triệu km2 (đứng thứ hai sau Gia Lai, chiếm 24%) và hơn 1,7 triệu người (đứng thứ nhất, chiếm 35,8%); có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tương đối phát triển hơn so với các tỉnh khác trong vùng; có trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, thành phố Buôn Ma Thuột, thủ phủ của Đắk Lắk, là đầu mối thông thương của Tây Nguyên với các vùng phát triển năng động ở duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, nhất là với thành phố Hồ Chí Minh.

Ông có thể giới thiệu vắn tắt về một số thành tựu cơ bản Đắk Lắk đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong thời kỳ 2001-2005 ? Theo ông, thành tựu nào có ý nghĩa, và có thể coi là tiền đề quan trọng nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới?

Trong những năm qua, Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên khác được Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các Quyết định 168, 1354 và nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác; nên các cơ sở hạ tầng như mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, cung cấp điện, nước... đã được cải thiện đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân cả thời kỳ 2001-2005 đạt 8,20%, bằng với mức bình quân chung của Tây Nguyên và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Các khu vực kinh tế của tỉnh đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.

Đóng góp vào mức tăng trưởng trên là sự tăng trưởng của khu vực sản xuất và dịch vu. Thời kỳ 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 15,5%, khu vực sản xuất đạt 6,6%. Ngành công nghiệp - xây dựng đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất tới 21,5%, dịch vụ tăng 15,51%, nông lâm nghiệp tăng 4,75%.

Cùng với tăng trưởng, cơ cấu kinh tế cũng đã có bước chuyển dịch và bước đầu đã phát huy được nhiều lợi thế của tỉnh, thu hút được sự quan tâm của trung ương, sự hợp tác giúp đỡ của các bộ, ngành. So với năm 2000, năm 2005 tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã giảm từ 56,9% xuống còn 51,1%; công nghiệp-xây dựng tăng từ 13,9% lên 25,4% và dịch vụ từ 29,2% còn 23,5%.

Thưa ông, nếu có thể so sánh với các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên, thì những thành tựu về kinh tế của Đắk Lắk có vượt trội hơn tất cả không?

Theo các số liệu thống kê ghi nhận năm 2005, tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp 36,1% tổng giá trị GDP của cả vùng Tây Nguyên (đứng thứ nhất; sau đó là Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum). Trong đó GDP nông nghiệp chiếm 39% (thứ nhất toàn vùng) công nghiệp - xây dựng chiếm 27,1% (sau Lâm Đồng; trước Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông), dịch vụ 35% (thứ nhất; tiếp theo là Lâm đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông).

Về giá trị xuất khẩu, Đắk Lắk chiếm 51,5% toàn vùng (đứng thứ nhất; hơn 2 lần Lâm Đồng; hơn 2 lần các tỉnh còn lại). Đắk Lắk đứng thứ hai so với các tỉnh Tây Nguyên về thu ngân sách, với 27,3% (sau Lâm Đồng và trước các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông).

So với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, hiện Đắk Lắk cũng đang dẫn đầu về sản lượng lương thực (44,4%); và một số cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao như: cà phê (41,9%), điều (32,4%), cao su (24,5%)...

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời kỳ 2001 - 2005 chưa cao, đứng sau Gia Lai, Đắk Nông... Thu nhập GDP bình quân đầu người chỉ đứng thứ 4 trong vùng (hơn được Kon Tum).

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác của Đắk Lắk cũng còn ở mức thấp so với bình quân chung toàn vùng. Một trong những nguyên nhân hiện nay và cả trong giai đoạn tới là quy mô dân số tăng nhanh do nhân dân kinh tế mới và di dân tự do.

Thưa ông, ông đã đề cập đến vị trí của Đắk Lắk trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia. Ông có thể nói rõ hơn về khu vực tam giác phát triển này, và vai trò của tỉnh nhà đối với khu vực?

Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia là cách gọi tắt tam giác phát triển biên giới 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia. Theo thỏa thuận chung giữa các nước, đây là khu vực bao gồm 4 tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam (không có Lâm Đồng) và các tỉnh Attapư, Sê Kông của Lào; Stung Treng, Rattanakiri của Campuchia. Các tỉnh này có đường biên giới chung từng đôi và đã hình thành các cặp cửa khẩu quan trọng.

Đây là khu vực có vị trí chiến lược đối với cả 3 nước về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Thông qua các hành lang kinh tế dọc theo các trục quốc lộ 76 (của Campuchia) và 16, 18 (của Lào), qua các Quốc lộ 14, 19, 24, 49 (của Việt Nam) nối khu vực này với hệ thống cảng biển Việt Nam.

Đồng thời qua trục Quốc lộ 7 (Campuchia), Quốc lộ 13 (Lào) nối khu vực này với Phnom Pênh và Viên Chăn; qua Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nối khu vực này với Hà Nội và Tp.HCM.. Đây là những điều kiện thuận lợi để 3 nước mở rộng giao lưu liên kết phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với các tỉnh trong khu vực .

Đắk Lắk là tỉnh trong Tam giác phát triển (có 73 km đường biên giới với Campuchia), và đã xác định cần tận dụng các điều kiện thuận lợi và nắm bắt cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh khác trong khu vực này. Công ty cao su Đắk Lắk đã có kế hoạch đầu tư trồng 10.000 ha cao su tại Chămpasắc (Lào) trong thời kỳ 2006-2010, đến nay đã thực hiện được 2.500 ha. Một tuyến vận tải hành khách, và du lịch từ Buôn Ma Thuột đến Chămpasắc (dài 400 km) cũng đã được thiết lập và khai thác.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận đề nghị của tỉnh cho mở thêm cửa khẩu Đắk Ruê nối Đắk Lắk với tỉnh Muldulkiri của Campuchia.

    Tổng số lượt xem: 4385
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  

Trang thông tin điện tử Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Bản quyền thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội • Điện thoại: 08043485; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38455298) ; Fax: 08044802; (Phòng Hành chính - Văn phòng Bộ 024.38234453 )Email: banbientap@mpi.gov.vn